Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàn bầu - Nhạc cụ độc đáo của Việt Nam

TUYETMINH| 08/09/2005 09:58

Trong kho tàng văn hóa dân gian, người Việt Nam ta có một loại nhạc cụ thật riêng biệt và độc đáo: đàn bầu. Dường như âm thanh mộc mạc chân quê, nhưng sâu lắng đến vô cùng của cây đàn bầu hòa quyện với tiếng lòng của người chơi khiến cho cây đàn có sức quyến rũ thật mạnh mẽ. Giai điệu réo rắt của tiếng đàn bầu làm bao người mê mẩn.

Trong kho tàng văn hóa dân gian, người Việt Nam ta có một loại nhạc cụ thật riêng biệt và độc đáo: đàn bầu. Dường như âm thanh mộc mạc chân quê, nhưng sâu lắng đến vô cùng của cây đàn bầu hòa quyện với tiếng lòng của người chơi khiến cho cây đàn có sức quyến rũ thật mạnh mẽ. Giai điệu réo rắt của tiếng đàn bầu làm bao người mê mẩn.

Cái độc đáo của đàn bầu là cấu trúc rất đơn giản, chỉ với một dây nhưng nó diễn tả được mọi cung bậc của âm thanh và tình cảm. Từ những chất liệu hết sức giản dị nhưng lại tạo ra âm thanh thật lạ và lôi cuốn, gần với âm điệu tiếng nói người Việt, bởi vậy mà đàn bầu là loại nhạc cụ được nhiều người yêu thích.

Để tạo ra được một cây đàn tốt, người làm đàn phải rất công phu trong việc chọn lựa chất liệu. Cây đàn phải hội đủ 2 yếu tố “mặt ngô, thành trắc", có nghĩa là mặt đàn phải làm bằng gỗ cây ngô đồng sao cho vừa xốp vừa nhẹ, thớ gỗ óng ả, thẳng thì mới có độ vang. Khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc hoặc gụ, vừa đẹp lại vừa bền. Cần rung còn gọi là vòi đàn được làm từ sừng trâu. Bầu đàn lấy từ quả bầu khô hoặc tiện bằng gỗ.

Thật khó có thể xác định được đàn bầu gắn bó với làng quê Việt Nam từ bao giờ, nên có nhiều cách giải thích khác nhau về sự xuất hiện của nó. Như từ trò chơi trống đất của trẻ em đồng bằng Bắc Bộ là đào hố và căng dây qua lỗ đất, khi đập nghe tiếng bung bung mà các cụ ngày xưa đã cho ra đời nhạc cụ mang tên đàn bầu, được làm từ ống tre và quả bầu khô. Có nhiều người đã có ý định cách tân, thay đổi một chút trong cấu tạo cây đàn bằng cách kéo dài đàn ra để có tiếng trầm hơn hoặc đổi đàn thành hai dây, một cao, một thấp, hai cần được mở rộng thùng đàn ra, nhưng tất cả đều không phù hợp, không hay bằng cây đàn một dây truyền thống, vì vậy cây đàn một dây độc đáo vẫn tồn tại đến ngày nay. Cây đàn truyền thống này chỉ căng dây lên hoặc chùng dây xuống đã tạo ra âm thanh có độ cao khác nhau. Cần đàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sắc độ âm thanh khác nhau và làm cho tiếng đàn tròn, mượt. Mặt đàn với thớ gỗ óng ả, khi kết hợp với cộng hưởng sẽ tạo ra âm thanh vang và trong. Đàn còn được trang trí bằng nhiều hoa văn và khảm trai với các hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt của người dân.

Đàn bầu không những thể hiện một cách thành công những làn điệu dân ca khác nhau của dân tộc Việt Nam mà còn có thể diễn tấu rất hay những giai điệu từ nhạc dân gian đến nhạc nhẹ.

Đàn bầu không giống bất cứ loại nhạc cụ nào với những âm thanh bay bổng, chơi vơi, phải chăng vì sự độc đáo có một không hai của cây đàn bầu mà nhiều du khách đã xem cây đàn như một biểu tượng của Việt Nam: "Đất nước đàn bầu", "quê hương đàn bầu".

Theo DLVN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đàn bầu - Nhạc cụ độc đáo của Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.