Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàn bà tuổi sửu

Nguyễn Thanh Bình| 23/01/2021 06:02

(HNMCT) - Gặp Y Ban là cười. Cười rổn rảng. Những chuyện chị kể bao giờ cũng làm người ta vui vui. Lạ thế.

Y Ban tuổi Tân Sửu, sinh tháng 7-1961 tại Liễu Đề (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). "Đó là một thị trấn, nhưng là thị trấn nghèo những năm 60 của thế kỷ trước với những cánh đồng mênh mông, tùy theo mùa mà vàng rực hay xanh mơ màng. Nhà tôi hồi ấy tuy không có trâu, nhưng tôi thường theo đám bạn đi chăn trâu. Tôi thích được ngồi lên lưng trâu nhưng không dễ chút nào, vì lưng trâu thì to, lại cứ gồ lên mà tôi thì còn quá nhỏ. Ngồi trên lưng trâu, lắc la lắc lư, cảm giác ấy rất sợ” - chị mở đầu câu chuyện kể về quê hương.

Với Y Ban, con trâu còn để lại trong chị nhiều kỷ niệm. “Đó là kỷ niệm đi xem trâu... đẻ”, Y Ban tưng tửng kể: “Làng quê vốn yên bình, bỗng một hôm có người như hét lên: "Trâu đẻ kìa! Trâu đẻ kìa”. Thế là cả làng rầm rập bước chân chạy ra xem trâu đẻ. Tôi vẫn nhớ như in, con trâu cái đang nằm dưới bụi tre cạnh bờ mương như kiệt sức, nó đã không còn đủ sức đứng dậy nữa. Phía dưới bụng nó, tôi đã nhìn thấy cái chân của con nghé con thò ra. Tôi nhìn vào mắt con trâu, hình như nó đang khóc, nó muốn nói một điều gì đó mà không nói được. Người lớn xem rất đông, nhưng cũng không ai “đỡ đẻ” được cho trâu... Ký ức tôi mãi không quên hình ảnh đó”.

Người ta bảo con trâu lững thững chậm chạp nên người tuổi sửu cũng cứ lững thững và vất vả. Với riêng Y Ban, điều đó không chính xác. Về hưu rồi vẫn thấy chị nhanh thoăn thoắt. Nay đây mai đó. Bán đất ở Hòa Bình, mua đất ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), còn ấp ủ mua khoảnh ven suối gần biển ở Bình Thuận. Năm vừa rồi Y Ban có cuộc kỷ niệm nhè nhẹ 35 năm viết văn. Chị tập hợp những truyện ngắn đình đám của mình lại thành một tập. “Tôi chỉ in đúng 500 cuốn, đánh số từ 1 đến 500, và tự phát hành”, Y Ban tiết lộ.

Y Ban bảo: Hưu rồi, thời gian nhiều, cứ thử một lần xem sao. Mà bây giờ, mạng xã hội mênh mông, dường như ai cũng có một “cửa hàng” trên mạng và ai cũng có thể bán, bất cứ thứ gì. Nghĩ là làm. Chị in cuốn “Truyện ngắn Y Ban” đúng 500 cuốn. Lại thêm được bạn bè tư vấn, giờ là thời sách đánh số, Y Ban làm theo. Nhận 500 cuốn sách về, chị ngồi hì hụi đánh số, ký tên cho từng quyển sách. “Vui lắm”, Y Ban lại cười. Phi vụ “tự in tự bán sách mình” của Y Ban coi như thắng lớn. Tất nhiên, lần đầu, chị cũng được biết bao bài học. “Có thể viết được một bài ký sự “Tôi đi bán sách” với khối chuyện bi hài”, Y Ban tưng tửng.

Tết này, Y Ban muốn đi chơi xa, nhưng "không biết có thực hiện được không, vì đại dịch vẫn còn chưa kết thúc". Đã đi qua nhiều cái Tết, nhưng cái Tết hồi thơ bé vẫn khiến chị nhớ nhất: “Hồi đó, ở quê tôi người ta vẫn kiêng đến nhà người khác vào sáng mùng 1 Tết. Với những đứa trẻ, sáng mùng 1 không cần cha mẹ gọi ời ơi như mọi khi cũng đã tỉnh như sáo để được diện áo mới. Tết, tôi thường có rất nhiều kẹo đút vào túi, định chạy sang nhà mấy đứa bạn để chơi nhưng lại bị mẹ bắt ở nhà, vì tránh cho tôi trở thành người “xông đất” các gia đình. Tôi buồn lắm nên trốn ra chơi với... cánh đồng. Cánh đồng làng sáng mùng 1 Tết vắng lặng. Nhưng những đám ruộng đã bắt đầu lún phún xanh. Xa xa, hiếm lắm mới thấy những bóng người mờ mờ trong sương mỏng...”.

Sau Tết, chị lại có những kế hoạch mới. “Không nói trước đâu. Sợ bước không qua”. Y Ban lại rổn rảng cười...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đàn bà tuổi sửu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.