Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàm phán trần nợ công của Mỹ không có dấu hiệu tiến triển

Theo Khánh Ly/TTXVN/Vietnam+| 24/05/2023 13:55

Đại diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ Cộng hòa tại quốc hội ngày 23-5 đã kết thúc một vòng đàm phán về trần nợ công nữa mà không có dấu hiệu tiến triển, trong khi thời hạn nâng trần nợ công để tránh kịch bản vỡ nợ đang đến gần.

Các nhà đàm phán của Nhà Trắng, bao gồm bà Shalanda Young, Giám đốc Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách, và Cố vấn Tổng thống Mỹ Steve Ricchetti, đã gặp các đại diện từ đảng Cộng hòa trong hai giờ, nhưng sau đó rời đi mà không để lại bình luận đáng kể vào với truyền thông.

Hai bên vẫn còn chia rẽ sâu sắc về cách thu hẹp thâm hụt ngân sách liên bang, trong đó các nghị sĩ Dân chủ cho rằng những người có thu nhập cao và giới doanh nghiệp nên nộp nhiều tiền thuế hơn, trong khi các nghị sĩ Cộng hòa lại muốn cắt giảm chi tiêu.

Các nghị sĩ Dân chủ muốn đóng băng chi tiêu cho năm tài chính 2024 bắt đầu vào tháng 10 ở mức đã được áp dụng vào năm 2023, và cho rằng làm như vậy là đồng nghĩa với cắt giảm chi tiêu vì ngân sách của các cơ quan sẽ không bắt kịp với lạm phát. Nhưng ý tưởng này đã bị các nghị sĩ Cộng hòa phản đối, với mong muốn phải cắt giảm chi tiêu rõ ràng.

Ông Biden muốn giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế với người giàu và giải quyết các lỗ hổng về thuế đối với các ngành dầu và dược phẩm. Nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết ông sẽ không đồng ý tăng thuế.

Bên cạnh sự bế tắc này, hai bên đã tìm thấy tiếng nói chung ở một số lĩnh vực, trong đó có cải cách về cấp phép bật đèn xanh cho các dự án năng lượng.

Thỏa thuận nâng trần nợ công, nếu đạt được, phải được cả Thượng viện và Hạ viện phê duyệt trước khi Tổng thống Biden ký ban hành thành luật, và vì thế nó sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ của hai đảng.

Hiện chưa rõ có khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên trước ngày 1-6 hay không. Tổng thống Biden đã đề cập khả năng sử dụng một điều khoản hiến pháp trong Tu chính án thứ 14 cho phép Tổng thống nâng mức trần nợ công.

Giới chuyên gia cảnh báo Chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ dẫn tới những hệ lụy thảm khốc đối với nền kinh tế nước này, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất ngân hàng và thị trường bất động sản, chưa kể hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đàm phán trần nợ công của Mỹ không có dấu hiệu tiến triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.