Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàm phán ngoại giao phải dựa trên nội lực của đất nước

Nguyễn Thúc| 25/01/2018 19:56

(HNMO) - Ngày 25-1, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chủ trì buổi gặp mặt thân mật các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp định Paris.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì buổi gặp mặt thân mật các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam.


Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý khẳng định, đây là cơ hội hiếm có cho các thế hệ cán bộ, đặc biệt là của ngành ngoại giao được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử trong giai đoạn hào hùng nhất của dân tộc. Cách đây 45 năm, vào ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, kết thúc thắng lợi Hội nghị Paris - cuộc đấu tranh ngoại giao lâu dài nhất, cam go nhất trong lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Đây là văn kiện lịch sử vô cùng quan trọng, là đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, trong đó có những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao và nhiều thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại.

Là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định Paris, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, tham gia Hội nghị Paris giai đoạn 1968 - 1973, chia sẻ một trong những mục tiêu của đàm phán Hiệp định Paris chính là làm thế nào để rút ngắn chiến tranh. Năm 1972, phía ta mở nhiều chiến dịch thành công. Mỹ dù muốn rút đi, nhưng muốn rút đi trên thế mạnh, do đó vẫn mở rộng phá hoại, đặc biệt là tuyến đường Trường Sơn. Cũng trong giai đoạn này, một cơ hội quốc tế mà chúng ta nắm được là việc Mỹ tổ chức bầu cử năm 1972, trong khi phong trào phản chiến tại Mỹ cũng như toàn thế giới rất mạnh, đặt chính quyền Tổng thống Richard Nixon vào thế phải chấm dứt chiến tranh. Về phần mình, ta đã có cuộc tấn công ngoại giao có tính chất quyết định, đưa ra giải pháp 7 điểm và sau đó là 2 điểm bổ sung. Từ 3 năm trước đó, chúng ta nêu ra 2 yêu sách để đấu tranh với Mỹ là rút quân ra khỏi miền Nam, xóa bỏ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, trong tình hình chiến trường và quốc tế như vậy, trên bàn hội nghị, 7 điểm lại chỉ tập trung vào việc Mỹ rút quân, còn vấn đề chính trị các bên Việt Nam sẽ tự giải quyết với nhau. Đây là lựa chọn hết sức khôn ngoan, bởi lúc này phong trào đòi Mỹ rút đi cũng rất mạnh.

Qua những ký ức của một thời hào hùng, nguyên Phó Chủ tịch nước nhận định, cuộc đấu tranh ở Hội nghị Paris đã để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị với công tác ngoại giao nước nhà ngày nay và mai sau. Đó là phải có sách lược khôn ngoan, xác định rõ cái gì là chính yếu; phải có chủ trương, chiến lược ngoại giao đúng đắn; đặc biệt đánh giá chính xác sức mạnh, tương quan lực lượng trên chiến trường, tình hình thế giới; đặc biệt là phải biết đánh giá và kết hợp giữa sức mạnh nội lực và tận dụng cơ hội tình hình quốc tế.

Các đại biểu trong buổi gặp mặt.


Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, đàm phán ngoại giao muốn thắng lợi phải xuất phát từ nội lực của đất nước. Trước đây là sức mạnh về quân sự, nhưng giờ đây phải gồm cả sức mạnh kinh tế, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngoại giao nhân dân, bên cạnh ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Đảng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngoại giao nhân dân có tác động đến chính trị, ngoại giao Nhà nước và giờ đây khi tình hình thế giới phức tạp càng cần đặc biệt quan tâm đến ngoại giao nhân dân với mục tiêu thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về phần mình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nêu rõ, cuộc đàm phán Hiệp định Paris là thành công lớn về nhiều mặt, không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới, nhờ vào sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, của Đảng. Nguyên Phó Thủ tướng chỉ rõ những lợi điểm mang lại từ việc thường xuyên nghiên cứu, thảo luận tình hình Mỹ, trên cơ sở đó đề ra chiến lược, chính sách quân sự, ngoại giao phù hợp. Bên cạnh đó, cuộc chiến đấu phải tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, trong đó có dư luận của chính nước đối thủ. "Kinh nghiệm là muốn đánh địch trên bàn đàm phán phải hiểu địch, cần phải biết lúc nào mình có thể đánh, lúc nào có thể nhượng bộ...", nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nói.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cũng lắng nghe những chia sẻ của ông Nguyễn Khắc Huỳnh, thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định Paris; ông Phạm Ngạc, cán bộ ngoại giao phụ trách ghi chép biên bản tại Hội nghị Paris. Qua nhiều câu chuyện, nhiều kinh nghiệm quý báu rút ra từ các hoạt động ngoại giao đã được truyền đạt tới nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao có mặt trong buổi gặp gỡ.

Cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, hào hùng trong giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc, các cán bộ, nhân viên ngoại giao từng tham gia phục vụ Hội nghị Paris, tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Paris đều chỉ rõ, kinh nghiệm quý báu là phải đánh giá được sức mạnh, tương quan lực lượng trên chiến trường và tình hình quốc tế; tận dụng thời cơ và có sách lược khôn khéo để tối đa hóa lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ trong ngoại giao.

Nhân dịp này, đồng chí Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, đại diện cho thế hệ các cán bộ ngoại giao trẻ, có bài phát biểu cảm tưởng, tri ân công lao, đóng góp của các thế hệ ngoại giao lão thành đã góp phần mang lại hòa bình cho đất nước và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đàm phán ngoại giao phải dựa trên nội lực của đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.