(HNM) - Génerique của phim đã chạy những trang dài giới thiệu thành phần đoàn phim, lời cảm ơn… mà sau những tràng vỗ tay dài, người xem vẫn ngồi yên lặng. Như thể mình vừa trải qua 81 ngày đêm khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị? Như thể những chàng trai hào hoa của Hà Nội xếp bút nghiên lên đường đi đánh giặc một thời vẫn đang đâu đó quanh đây?
Vừa hoàn thành, "Mùi cỏ cháy" đã kịp mở màn (vào tối 2-12 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia) cho Tuần phim Việt Nam chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVII. Một bộ phim có nhiều đặc biệt bởi nó được chính một người trong cuộc - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chắp bút kịch bản từ cách đây 5 năm. Một trong những tác phẩm văn học làm nền cho bộ phim chính là cuốn nhật ký giàu chất văn "Mãi mãi tuổi 20" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Cũng qua nhiều lần đổi ê-kíp, cuối cùng "Mùi cỏ cháy" đã ra đời với kịch bản của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, quay phim Phạm Thanh Hà, thiết kế mỹ thuật Phạm Quốc Trung (Bông sen Vàng thiết kế mỹ thuật LHP XVI, phim "Đừng đốt"), âm thanh Bành Bắc Hải…
Cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”. |
Đặc biệt, "Mùi cỏ cháy" huy động dàn nam diễn chính gồm toàn "lính mới": Nguyễn Năng Tùng, Lê Văn Thơm, Tô Tuấn Dũng, Nguyễn Thành Sơn. Bốn chàng trai Hoàng - Thành - Thăng - Long này đã ít nhiều mang đến những cảm xúc về sự mới mẻ, trong sáng nhưng cũng đầy chất hào hoa của tân binh Hà Nội.
"Mùi cỏ cháy" là hình ảnh được lấy từ chính lời bài thơ của Hoàng - một chàng trai khoa Văn. Phim tái hiện không khí một thời những sinh viên Hà Nội xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của Đảng ra trận đánh giặc Mỹ xâm lược, cứu nước. Hoàng - Thành - Thăng - Long, 4 sinh viên văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội cũng đã nhập ngũ năm 1971, sau đó được chuyển quân tới mặt trận khốc liệt nhất - Thành cổ Quảng Trị. Thành - Thăng - Long hy sinh, mỗi người một tình huống, trong đó Long chỉ vừa mới vượt sông, chưa kịp cầm súng… Chỉ có Hoàng sau cuộc chiến còn được trở về. Câu chuyện được kể theo mô-típ truyền thống là hồi ức của nhân chứng - Hoàng.
Tuy nhiên, "Mùi cỏ cháy" đã tái hiện câu chuyện ấy một cách sinh động, thẳng thắn trực diện khi nói về mất mát, hy sinh, nhưng cũng đầy chất lính trong trẻo, lạc quan, hài hước. Phim đã khiến khán phòng rộn tiếng cười nhưng cũng thấm vị mặn nước mắt. Có lẽ, đây là một trong những hình ảnh hiếm hoi để thế hệ sau hiểu được tường tận thế nào là "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm". "Mùi cỏ cháy" cũng chọn được nhiều chi tiết đắt từ một số tác phẩm văn học khác như bức tượng trắng, tiếng ve, những chú dế… làm chất liệu cho ngôn ngữ điện ảnh.
Đặt tuổi trẻ bên cạnh chiến tranh, đặt những hoài bão, mơ ước bình dị bên cạnh cái chết. Một lần nữa, sự phi nghĩa chiến tranh xâm lược được lột tả, nhưng cũng một lần nữa chúng ta thấm thía vô cùng động lực để lớp lớp những tân binh lên đường cầm súng là bởi khao khát chấm dứt chiến tranh tàn khốc và hòa bình của cả dân tộc.
"Mùi cỏ cháy" có thể cũng chưa thỏa mãn hết ở một số yếu tố đối với người làm nghề. Nhưng trong điều kiện cụ thể của điện ảnh nước nhà, bộ phim đã chạm đến những cung bậc cảm xúc đặc biệt của người xem.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.