(HNMCT) - Đại Việt Cổ Phong ra đời trước nhu cầu được tìm hiểu tường tận văn hóa cổ xưa của một nhóm bạn trẻ. 5 năm qua, nhóm đã thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến hoa văn tại các đình, đền, chùa, đặc biệt là phục chế trang phục cổ... Họ không ngại lựa chọn con đường khó với một ý nghĩ đơn giản, họ là những người trẻ và họ biết những người trẻ ngày nay cần gì. Để chấn hưng văn hóa cổ, bỏ qua những hô hào, nói suông, họ thể hiện tình yêu với văn hóa cổ của cha ông theo cách riêng của mình...
Phục hưng văn hóa cổ
Khi sản phẩm đầu tay là bộ y phục thời Lê hoàn thành, những người đặt nền móng đầu tiên cho Đại Việt Cổ Phong như Phan Huy Lê, Cù Minh Khôi, Nguyễn Phương Đông, Nguyễn Thị Ngọc Huyền... chỉ nghỉ rằng mình đã hoàn thành một bộ trang phục thời Lê hoàn chỉnh như đúng những gì nó có cách đây hàng trăm năm, được ngắm nhìn đường nét, cách thức may đo mà người xưa đã từng làm... là đã thấy hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi. Họ không ngờ, từ thành công ấy, phục hưng văn hóa cổ trở thành một trào lưu, từ đó xuất hiện thêm nhiều nhóm mới, hội mới có chung một mong muốn: Đưa những nét đẹp cổ xưa trở lại đời sống đương đại.
Nguyễn Thị Ngọc Huyền - một thành viên trong Ban cán sự của nhóm kể lại, đầu năm 2014, họ tình cờ gặp nhau trên một diễn đàn nơi tập hợp những người yêu văn hóa cổ, thích vẽ trang phục cổ của Việt Nam. Khi hoạt động của nhóm đi vào ổn định, đam mê không chỉ dừng lại ở trang phục Việt xưa mà còn cả phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của người Việt xưa, họ đã đưa nhóm lên facebook, lập một group tên là Đại Việt Cổ Phong.
Trước khi có thành công với dự án chiếc áo Giao Lĩnh thời Lê, Đại Việt Cổ Phong từng nhiều lần thất bại. Dự án khôi phục lại chiếc đèn lồng xưa, dự án may áo dài thời Nguyễn... bị trục trặc do thiếu tư liệu, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là không thể tìm nổi người có thể may áo hoặc làm đèn lồng theo lối chuẩn ngày xưa. Sự thành công của dự án khôi phục áo Giao Lĩnh thời Lê được đắp đổi bằng những kinh nghiệm thất bại nhiều lần và bằng cả khoảng thời gian nửa năm cho việc may sai rồi may lại không biết bao nhiêu bộ.
Sẵn niềm hứng khởi, năm 2015, Đại Việt Cổ Phong thực hiện dự án "Hoa văn Đại Việt", một dự án gây quỹ cộng đồng nhằm sử dụng công nghệ vector để vẽ lại toàn bộ hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam. Ý tưởng xuất phát khi họa sĩ Cù Minh Khôi, thành viên của nhóm được tham gia thiết kế phục trang cho bộ phim Phật hoàng Trần Nhân Tông và nhận thấy rằng việc tìm kiếm hoa văn cổ của Việt Nam cho các dự án phim cổ trang, sân khấu cải lương, chèo, tuồng... khá khó khăn trong khi trên mạng chỉ thấy toàn hoa văn Trung Quốc và các nước trong khu vực. Những ngày đầu triển khai dự án, các thành viên trong nhóm phải đi điền dã tới các ngôi đền, chùa cổ hay các viện bảo tàng trong khắp cả nước, sau đó vẽ lại bằng công nghệ đồ họa vector. Khó khăn nhiều vô kể, nhất là với những bạn trẻ trong tay chỉ có bầu nhiệt huyết và trái tim đắm say với văn hóa dân tộc.
Ngọc Huyền kể lại: “Nhóm đã gặp không ít khó khăn do hiện vật bị phong hóa, các chi tiết trên mẫu hoa văn không còn giữ được nguyên trạng do thời tiết, thiên tai, thời gian và được chạm khắc trên chất liệu gỗ, vải thêu, gốm... thiếu bền vững. Trong khi ấy, các thành viên của nhóm không phải ai cũng học chuyên ngành về lịch sử, khảo cổ học. Dò dẫm, thậm chí mất phương hướng là điều đã xảy ra, tuy nhiên, với sự giúp sức của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử..., các thành viên đã tìm ra phương pháp tiếp cận và phục dựng các hoa văn đã gần như biến mất”. Cuối cùng, so với những cái “mất”, cái “được” nhất mà các thành viên đều tâm đắc chính là "Hoa văn Đại Việt" đã tạo ra một nguồn tư liệu phong phú cho những người làm sáng tạo, văn hóa ở Việt Nam nhằm đem đến những tác phẩm đặc trưng văn hóa Việt có tầm vóc, chống lại sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài...
Mới đây, nhóm lại ấp ủ một dự án mới mang tên "Việt Nam cổ phục" với mong muốn giúp số đông công chúng tiếp cận được các loại hình trang phục Việt xưa bằng những hình ảnh bắt mắt, đầy tính thẩm mỹ, đậm đà bản sắc Việt và chân thực với lịch sử. Bằng việc sử dụng công nghệ vector và kỹ thuật đồ họa để vẽ lại các trang phục truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử trải dài từ thời Lý đến thời Nguyễn..., họ hy vọng "Việt Nam cổ phục" khi ra đời sẽ mang tính ứng dụng cao, cung cấp cho cộng đồng nguồn tư liệu để sử dụng trong các dự án liên quan đến lịch sử, văn hóa của người Việt.
Nối dài sức sống cổ truyền
Hiểu được người trẻ Việt hiện nay đang cần gì, Đại Việt Cổ Phong đã đưa lịch sử, nét đẹp văn hóa dân tộc đến với công chúng bằng một phương thức hoàn toàn mới. Với 250 mẫu hoa văn Đại Việt trong tay, dự án đã chia sẻ miễn phí 200 vector hoa văn được số hóa để cộng đồng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như thiết kế, đồ họa... Ngay sau khi dự án công bố những vector này, nhiều hoa văn đã được các tổ chức, cá nhân sử dụng để làm các sản phẩm như trang phục, đồ lưu niệm, hộp đựng bánh kẹo, quà tặng... Cũng có đoàn làm phim liên hệ với nhóm để nhờ tư vấn hoa văn cho trang phục cổ. Bản thân 250 mẫu hoa văn Đại Việt ấy cũng được nhóm từng bước đưa vào cuộc sống hiện đại qua các sản phẩm ứng dụng như quần áo, lịch để bàn, bao lì xì, móc chìa khóa...
Ngọc Huyền vui mừng cho biết: “So với ngày đầu mới thành lập, quan niệm của công chúng về trang phục cổ đã thay đổi vô cùng lớn. Bên cạnh Đại Việt Cổ Phong, rất nhiều hội nhóm khác về văn hóa, lịch sử Việt Nam đã ra đời như Thủ Phất Thanh Đài, Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Đại Nam Hội Quán, Tầm chương trích cú... Đã có những gameshow sử dụng trang phục cổ như Kỳ án cung Diên Thọ, đã có những bạn trẻ chọn Nhật Bình và áo tấc làm trang phục cưới, đã có những dự án phim cổ trang chỉn chu từ trang phục cho tới hoa văn được khởi động... Văn hóa cổ đã không còn “mù mờ” mà thực sự trở thành thứ tài nguyên có thể làm giàu cho đất nước. Em cảm thấy mừng vì là người được chứng kiến, tham gia và góp sức vào quá trình thay đổi rất tích cực này”.
Trong bối cảnh hội nhập với sự lên ngôi của nhiều loại hình giải trí hiện đại, sự ra đời của Đại Việt Cổ Phong là những tín hiệu tích cực cho thấy sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của không ít thanh niên Việt Nam hiện nay. Chọn con đường khó và tin vào bản thân mình, họ đã thành công khi đưa tinh hoa xưa tiếp cận gần hơn với các bạn trẻ. Nguyễn Phương Đông, đồng sáng lập Đại Việt Cổ Phong chia sẻ: “Khi nhóm được thành lập mới chỉ có vài người và chúng tôi coi đó như một diễn đàn để trao đổi sở thích, chúng tôi không ngờ được rằng sau này nhóm sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi thành viên, và đối với nhiều người thì trở thành nghiệp. Nhưng khi đó chúng tôi đều có chung một niềm tin vững chắc rằng cổ phong - văn hóa cổ sẽ sớm được công chúng quay lại, quan tâm đón nhận, và khôi phục. Đó là xu thế tất yếu. Nếu không có Đại Việt Cổ Phong thì sẽ có những nhóm khác, người khác khơi mào. Chúng tôi chỉ may mắn là những người sớm nhất”.
Phan Huy Lê - thành viên sáng lập nhóm Đại Việt Cổ Phong:
"Ngày mới thành lập chúng em khá lo lắng vì vấp phải những vấn đề không thể giải quyết được như thiếu tư liệu, thiếu vốn, thiếu nhân lực..., nhưng sau một thời gian thì thấy rất cảm động vì có rất nhiều người yêu văn hóa Việt và quan tâm đến di sản của cha ông. Khi nhóm hô hào gây quỹ cộng đồng, chỉ trong một thời gian ngắn những người yêu văn hóa Việt đã góp được một số tiền lớn vượt quá số tiền mà nhóm dự kiến. Điều đó cho thấy tình yêu với vốn cổ luôn có trong huyết quản của người Việt, chỉ cần khơi gợi là tuôn trào. Nếu không có tình yêu văn hóa của mọi người chắc chúng em không làm được”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.