Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hai mùa đông lịch sử của Hà Nội

Ngô Vương Anh| 08/10/2013 05:40

(HNM) - Vĩnh biệt Đại tướng nhưng người Hà Nội vẫn còn lưu nhiều ký ức về ông, đất Hà Nội còn lưu nhiều dấu tích những nơi ông đã sống và làm việc...

Mùa đông năm 1946, không khí chiến tranh nóng bỏng, ngột ngạt hơn bao giờ hết. Trong tình huống nổ ra chiến tranh, quân và dân Hà Nội được trao nhiệm vụ tìm mọi cách giam chân địch càng lâu càng tốt, tiêu hao một bộ phận quan trọng của chúng trong thành phố, bao vây và chia cắt chúng, tạo điều kiện cho hậu phương hoàn thành công việc chuẩn bị và tổ chức lực lượng kháng chiến. Lịch sử đặt Hà Nội trước thử thách mới. Cho đến phút cuối cùng trước khi bùng nổ cuộc kháng chiến trường kỳ, vị Tổng tư lệnh vẫn ở bên cạnh quân và dân Hà Nội. Chiều ngày 19-12-1946, không khí chiến tranh đã nóng bỏng trên từng con phố Hà Nội, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp còn cùng với đồng chí Trần Quốc Hoàn (Phái viên đặc biệt của TƯ cho mặt trận Hà Nội) và đồng chí Vương Thừa Vũ (Chỉ huy trưởng mặt trận) tới phố Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến đấu…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân, ngày 30-12-1972, lực lượng nòng cốt cùng quân và dân Thủ đô đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội. Ảnh: TTXVN


Sau 60 ngày đêm mịt mù khói lửa, chiến đấu quyết liệt trên từng ngõ phố, quân và dân Hà Nội không phụ lòng tin tưởng của TƯ Đảng, của Bộ Tổng chỉ huy, đã nhân đôi được khoảng thời gian quý báu cho kháng chiến mà anh Văn - như mọi người thân thiết gọi ông - đã dự kiến với Bác Hồ. Đây là một bước mở đầu oanh liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp, góp phần làm rạng rỡ truyền thống Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tạm biệt Hà Nội lên chiến khu, theo sự chỉ huy của anh Văn, tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ. Họ hẹn với "đô thành nghi ngút cháy sau lưng" một ngày trở lại không xa.

Từ ngày trở lại Thủ đô sau năm 1954, trừ những chuyến đi công tác, phần lớn thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống và làm việc ở Hà Nội. Từ đại bản doanh mang linh khí hồn thiêng Thăng Long - Hà Nội, ông cùng Bộ Tư lệnh chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Đến năm 1972, sau bốn năm rưỡi thương lượng vòng vo ở Hội nghị Paris, Mỹ vẫn toan tính dùng "con ngáo ộp" B52 trong "canh bạc cuối cùng" trên bầu trời Hà Nội. Đúng như dự đoán của Bác Hồ "Mỹ chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội…", Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu dự kiến trước cho những phương án thua trên bầu trời Hà Nội của không quân Mỹ. Đại tướng chỉ thị: Quân chủng Phòng không - không quân phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị; Gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo. Quân chủng Phòng không - không quân đã thực hiện xuất sắc chỉ thị của Đại tướng. Trong 12 ngày đêm mùa đông 1972, 34 chiếc B52 đã bị bắn hạ (quân dân Hà Nội đã góp công trong đó 23 chiếc), buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Chỉ vài giờ sau khi chiếc B52 đầu tiên rơi trên cánh đồng Phủ Lỗ (Đông Anh), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện chúc mừng Đoàn tên lửa Thành Loa. Đêm 22-12-1972, tự vệ Thủ đô bắn rơi chiếc F111 "cánh cụp cánh xòe" đầu tiên. Ngay sáng hôm sau, ông đã đến tận trận địa chia vui và kịp thời động viên các chiến sĩ. Sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt và những tình cảm nồng ấm của Đại tướng đã cùng quân và dân Hà Nội làm nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không" mùa đông 1972 lừng lẫy địa cầu…

Đất và người Hà Nội tự hào đã có hai mùa đông ghi dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - mùa đông 1946 và mùa đông 1972. Trong 60 ngày khói lửa, quân và dân Hà Nội phải "chiến đấu giữa vòng vây" trong thế so sánh lực lượng đang nghiêng áp đảo về phía địch. Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", quân và dân Hà Nội đã lớn mạnh, chủ động sẵn sàng đón đánh và chiến thắng địch. Trong thế lớn mạnh đó, người Hà Nội, đất Hà Nội ghi - nhớ hình ảnh và những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sang thế kỷ XXI, dù tuổi đã cao, Đại tướng vẫn có nhiều trăn trở với tương lai phát triển của Thăng Long - Hà Nội đã hơn nghìn năm tuổi. Hôm nay vĩnh biệt ông nhưng hình ảnh vô cùng thân quen của Đại tướng đã và vẫn luôn ở trong lòng người Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hai mùa đông lịch sử của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.