Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhân văn đức độ: Bậc hiền nhân

ThS. Võ Quốc Hiển| 25/08/2011 06:24

(HNM) - Trong một dịp tiếp xúc với nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - McNamara, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Các ngài gọi tôi là vị tướng Thần thoại, nhưng tôi nghĩ tôi bình đẳng với người lính của mình.

Khi được hỏi: Vị tướng nào trong chiến tranh được Đại tướng đánh giá cao nhất? Ông đã khiêm tốn trả lời: Các vị tướng dù có công lao to lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ... Vị tướng tôi đánh giá cao nhất là Tướng Nhân Dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và anh chị em công nhân đội vận tải Sông Gianh (Quảng Bình) - đơn vị được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng ra tiền tuyến (1968). Ảnh: Tư Liệu


TS. Virginia Louise Morris, tác giả cuốn sách “Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường dẫn tới tự do”, được tiếp chuyện Đại tướng đã hết sức xúc động khi nghe ông nói về Trường Sơn và những người lính đã “ngã xuống cho tự do”: Ngay bây giờ chúng ta có thể ngồi nghe với nhau những bài hát đó (những ca khúc cách mạng về Trường Sơn và cuộc kháng chiến gian khổ hào hùng của dân tộc) và nhớ về Trường Sơn. Trong những dịp như vậy, tôi đã khóc... và Tôi nghĩ rằng nếu chị là một cô gái Việt Nam vào lúc đó, chị cũng sẽ đi Trường Sơn. Và ông - một vị tướng dạn dày chinh chiến với cuộc đời binh nghiệp gần 40 năm, không biết đã bao nhiêu lần khóc vì tiếc thương những người lính của mình! Những đồng chí gần gũi của ông kể lại: “Có nhiều đêm Tổng Tư lệnh ít ngủ hoặc thức trắng vì tình hình chiến trường diễn biến rất phức tạp, không có lợi cho ta. Vị tướng ấy trong những đêm trắng trăn trở với sách lược chiến thắng của các bậc tiền bối anh hùng đã đưa ra được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình là từ phương án tranh thủ đánh nhanh, giải quyết nhanh chuyển sang đánh chắc, tiến chắc - một quyết định lịch sử vô cùng sáng suốt đã hạn chế được bao xương máu của các đồng chí, đồng bào”… để sau 56 ngày đêm gan không núng, chí không sờn, các anh hùng Điện Biên đã làm nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954).

Nhà văn Nguyễn Đình Thi khi đọc những lá thư Đại tướng Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên gửi cho chiến sĩ của mình đã xúc động nói: Đại tướng Tổng Tư lệnh mà viết thư thăm hỏi chiến sĩ của mình với những lời lẽ như anh em thì trên thế giới này, quả là hiếm thấy!

Chuyện kể rằng, vào một ngày giáp Tết Nhâm Tý - 1972, tại Ninh Bình, Sư đoàn 338 được lệnh xuất quân vào chiến trường miền Nam. Đại tướng đến thăm chúc Tết và động viên đơn vị. Ông xuống xe, đi bộ giữa hai hàng quân, vẫy tay chào. Đột nhiên, ông dừng bước trước một anh lính trẻ và nở nụ cười, ôn tồn hỏi: - Đồng chí nhập ngũ bao lâu rồi? - Báo cáo Đại tướng, gần một tháng ạ - Thế đã học chào chưa? Anh lính trẻ lúng túng chưa kịp trả lời, bỗng thấy Đại tướng dập chân đứng nghiêm và giơ tay chào. Anh lính trẻ bất thần đứng thẳng người chào đáp lại, đôi mắt vụt sáng rực. Cả đoàn quân đồng thanh: Đại tướng muôn năm! vang trời, dậy đất. Quả là kỳ lạ: Một Đại tướng Tổng Tư lệnh chào một binh nhì trước giờ ra trận. Một cảnh tượng quá đẹp, quá hào hùng và hết sức xúc động! Trong một đạo quân mà tình Cha con thân tình đến thế, thì việc những người lính sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh vì một tấm lòng Nhân ái, một nghĩa cử văn hóa cao đẹp tuyệt vời của một Chủ tướng, âu cũng không có gì là lạ!

Trung tướng Hồng Cư kể lại: Vào tháng 4 năm 1975, một binh đoàn chủ lực trước giờ xuất trận, khi Đoàn trưởng đọc bức điện tự tay Đại tướng viết: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng, đã đồng loạt hô vang lời thề quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Sau đó, cả đoàn quân băng băng tiến ra mặt trận với niềm phấn khích vô bờ!

Con người của ông có cốt cách của một vị tướng thao lược, nhưng cũng thấm đẫm chất nhân văn. Từ những ngày đầu chỉ đạo Thủ đô kháng chiến chống Pháp, đến những ngày đối phó với chiến dịch tấn công vào căn cứ địa Việt Bắc của Quân đội Pháp; những ngày đêm chiến đấu ở Điện Biên Phủ, những ngày theo dõi tác chiến ở Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào và trong các chiến dịch Quảng Trị, Tây Nguyên... Tổng Tư lệnh đã có nhiều đêm mất ngủ, hoặc nhiều lần chảy nước mắt nghe báo cáo số lượng cán bộ, chiến sĩ thương vong quá cao trong một trận đánh. Chính đêm đặc biệt đó đã giúp ông vượt mọi khó khăn, tìm ra những cách xử lý tình hình chiến trường tốt nhất, giảm thương vong cho bộ đội. Một chủ nghĩa nhân văn đã thấm sâu vào tâm hồn Đại tướng ngay trong những giờ phút khó khăn nhất của mỗi tình huống phức tạp trong chiến dịch. Ông thực sự là chính ủy của các chính ủy, là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của từng chiến binh. Thật là Văn lo việc nước, Văn thành Võ / Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn!

Trong cuốn sách: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam (xuất bản tháng 8-2010) các tác giả đã khắc họa một cách sâu sắc và tinh tế chân dung Đại tướng: Là một trong những học trò và bạn chiến đấu xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện, Võ Nguyên Giáp không ngừng nỗ lực tự học, tu dưỡng, phấn đấu vươn cao ngang tầm thời đại, trở thành một Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của quân đội cách mạng, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam.

Đại tướng xứng đáng là một bậc Khai quốc công thần, là một anh hùng dân tộc, suốt một đời vì nước vì dân. Nếu có một kỷ lục Guinnes về một Danh tướng Nhân văn đức độ: Bậc hiền nhân thì có lẽ ông rất xứng đáng là người đầu tiên trong số tướng, soái lẫy lừng trên thế giới, từ cổ chí kim được vinh danh! Dân tộc Việt Nam chúng ta có quyền tự hào đã sinh ra một Người Con như thế trong một thời đại vẻ vang nhất của dân tộc: Thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhân văn đức độ: Bậc hiền nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.