Rời quê hương Thừa Thiên-Huế tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu nhưng tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn vẫn đau đáu trong trái tim của Đại tướng Lê Đức Anh.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh tham quan Điện Thái Hòa (Huế), tháng 3-1995. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN) |
Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị tướng, một nhà lãnh đạo tài năng.
Trong cuộc sống đời thường, ông là người sống giản dị, gần gũi, chân tình nhưng rất sâu sắc và luôn nặng tình với quê hương. Rời quê hương Thừa Thiên-Huế tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu nhưng tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn vẫn đau đáu trong trái tim của ông.
Dấu ấn tuổi thơ
Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang; quê gốc ở xứ Truồi, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông nội ông là một sỹ phu từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.
Đại tướng Lê Đức Anh là con thứ 7 trong gia đình có 9 người con. Tuổi thơ của ông gắn bó với xứ Truồi, nơi có núi Truồi, sông Truồi.
Sông Truồi bắt nguồn từ vùng rừng núi phía Tây của huyện Phú Lộc đổ ra phá Tam Giang. Con sông Truồi hiền hòa đã nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây, tắm mát những cánh đồng quê và tắm mát cả tâm hồn, tuổi thơ ông cùng bạn bè nô đùa, câu cá trong những ngày hè oi bức.
Ông là người sáng dạ nên được gia đình cho đi học từ nhỏ. Ký ức tuổi thơ của ông cũng là những ngày ăn sắn, ăn khoai qua ngày, nhưng ấm áp tình cảm gia đình; là sự hy sinh của ba, là sự tần tảo của mẹ, để anh chị em ông được cắp sách đến trường.
Trong cuốn Hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" ra mắt cuối năm 2015, Đại tướng Lê Đức Anh viết: "Trường xa nhà, nên buổi sáng đi học tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở Dưỡng Mong phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những bẹ nang của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân".
Cũng chính bởi những gian khó ấy đã rèn luyện và hình thành trong ông đức tính kiên nhẫn, chịu thương chịu khó, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn.
Ký ức tuổi thơ của ông còn in đậm những hình ảnh đói nghèo, bệnh tật của người dân lương thiện chốn làng quê, hình ảnh lam lũ của những phu xe kéo tay, của người nông dân; nạn sưu cao thuế nặng đẩy người dân đến bước khốn cùng.
Chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến đã khiến ông khao khát làm một điều gì đó cùng với người dân lam lũ để thay đổi cuộc sống lầm than, cơ cực. Và cơ duyên khiến ông sớm được tiếp xúc với những người yêu nước cách mạng, được tiếp cận với báo chí tiến bộ và tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và phong trào đấu tranh đòi độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc...
Rồi người thiếu niên Lê Đức Anh được giác ngộ và chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương từ năm 17 tuổi, rồi quyết tâm gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Ông tham gia hoạt động cách mạng trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên-Huế từ năm 1937-1944.
Xứ Truồi, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, không chỉ là nơi gắn bó tuổi thơ mà còn là nơi hun đúc tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của chàng thiếu niên Lê Đức Anh. Những kỷ niệm ấy vẫn luôn in đậm trong trái tim, trí nhớ và cùng ông bước qua những chặng đường gian nan trong suốt cuộc đời cách mạng của mình.
Ông Nguyễn Chương, 70 tuổi, người cháu gọi Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là bác họ, chia sẻ: "Nhiều lần về quê, nhưng lần nào bác cũng bảo tôi dẫn bác ra sông Truồi, đoạn Bến Bãi có cái bến ngày xưa bác hay ra chơi. Rồi bác kể cho tôi nghe những câu chuyện thời bé, những buổi trưa đi câu cá, đọc sách, cùng bạn bè đùa nghịch bên dòng sông này; về cuộc sống cơ cực nhưng ấm áp tình cảm gia đình và bà con quê tôi; rồi những ngày bác tham gia cách mạng, đi theo Đảng... Bác thường dặn chúng tôi phải coi trọng sự học, chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn để sau này sống có ích cho xã hội; sống chan hòa, gắn bó với bà con xóm giềng, giúp đỡ những người gặp khó khăn".
Vị tướng giản dị, gần gũi
Là một tướng tài ba, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Lê Đức Anh có mặt ở những điểm nóng nhất và trở về trong chiến thắng. Nhưng với những người dân ở xứ Truồi thì Đại tướng không chỉ là người con kiệt xuất của quê hương, mà còn là một người giản dị, gần gũi.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên buồng lái máy bay chiến đấu Su-27 trong chuyến thăm Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Không quân Việt Nam, ngày 1-5-1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN) |
Theo lời kể của người dân xã Lộc An, khi còn khỏe, ông rất nhiều lần về thăm quê. Mỗi lần về quê, ông thường đi thăm bà con quanh xóm, ân cần hỏi thăm tình hình cuộc sống, lao động sản xuất của bà con; nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, phải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông thích ăn những món ăn dân dã, đậm chất quê hương và uống nước chè xanh; thích nghe những câu hò của xứ Huế. Ông thường bảo "Không về xứ Truồi thì thôi, chứ về thì phải uống nước chè Truồi."
Ông Trần Đình Hàng, 85 tuổi, trú tại thôn Nam, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, chia sẻ, Đại tướng là người sống rất giản dị, luôn gần gũi, quan tâm đến cuộc sống của bà con.
Một lần về thăm quê, nhìn thấy con đường xuống bến sông Truồi bị xuống cấp, Đại tướng đã bỏ kinh phí để bê tông hóa con đường giúp bà con đi lại được thuận tiện hơn. Rồi khi có kế hoạch xây dựng nhà văn hóa thư viện mang tên Đại tướng, ban đầu ông không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, sau nhiều lần thuyết phục ông mới đồng ý.
Tuy nhiên, ông nhắc nhở không nên xây lớn, ảnh hưởng đến ruộng đất, nhà cửa và cuộc sống của bà con trong làng. Hiện nay, nhà văn hóa và thư viện Đại tướng Lê Đức Anh trưng bày hàng trăm hiện vật, hình ảnh, đầu sách có nội dung về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh - con người suốt đời phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi cho dân tộc.
Ông Hàng nói thêm bà con trong thôn rất kính trọng Đại tướng và xem ông là tấm gương sáng để noi theo. Không ai bảo ai, nhưng mọi người cùng chung tay gìn giữ tài sản, vệ sinh nhà văn hóa cũng như môi trường trong thôn xóm. Khu nhà trở thành địa chỉ văn hóa đón học sinh, người dân và du khách tham quan, đọc sách, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng.
Trong cuốn sổ vàng lưu niệm tại nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết: “Đại tướng Lê Đức Anh, một cán bộ quân sự - chính trị và giàu nét văn hóa dân tộc đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí, Quân đội, nhân dân và Đảng ta mãi mãi trân trọng và học tập, phát huy”.
Nặng tình với quê hương
Mặc dù sống xa quê, bận rộn với công tác, nhưng tình yêu dành cho nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đất mẹ thiêng liêng, chưa bao giờ vơi trong trái tim của Đại tướng Lê Đức Anh. Tình yêu quê hương ấy cũng chính là động lực, là sức mạnh để ông hăng hái tham gia cách mạng, cùng đồng bào cả nước đứng lên chống lại áp bức, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ngày hòa bình lập lại, Đại tướng có nhiều trăn trở và gợi mở giúp quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội.
Quê hương của Đại tướng hôm nay có nhiều khởi sắc, cuộc sống của bà con cũng từng bước được cải thiện. Ông Nguyễn Bùi, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An, huyện Phú Lộc, cho biết Đại tướng là người nặng tình với quê hương. Mỗi lần về quê, ông luôn dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ với cán bộ, chính quyền tại địa phương.
Còn nhớ, trong chuyến về thăm quê năm 2014, Đại tướng Lê Đức Anh đã ghé vào UBND xã Lộc An để thăm các cán bộ đang làm việc. Tại đây, Đại tướng nhắn nhủ: “Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn. Cán bộ chính quyền phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết yêu thương dân, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân; biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt quê nhà, nâng cao đời sống nhân dân".
Ghi nhớ lời dặn ấy, nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc An đã xác định nhiệm vụ cốt lõi là phải xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, trách nhiệm và đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vì nhân dân phục vụ; không ngừng nỗ lực thi đua lao động sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được quan tâm và triển khai thực hiện tốt, nhiều năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Tháng 9-2018, Lộc An đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới khi hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Trên bàn xã hiện có 3.078 hộ với hơn 14.000 dân. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7%; tỷ lệ hộ khá và giàu đạt hơn 70% dân số; tỷ lệ dân sử dụng nước sạch đạt hơn 98%.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của xã đã chuyển dịch đúng hướng, các hình thức tổ chức sản xuất được thành lập và phát triển phù hợp với trình độ lao động của địa phương. Xã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo động lực phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Quy mô giáo dục của địa phương có bước phát triển mới, chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao; 100% thôn đạt chuẩn văn hóa...
Mỗi người dân nơi đây, luôn tự hào và khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Tấm gương sáng về tinh thần và nghị lực cách mạng, phẩm chất cao đẹp của người chiến sỹ cộng sản, cũng như những tình cảm thiêng liêng mà Đại tướng đã dành cho quê hương là động lực để mỗi người dân Lộc An, Phú Lộc nói riêng và Thừa Thiên-Huế nói chung vượt qua khó khăn, cùng nhau giữ gìn truyền thống tốt đẹp, xây dựng quê hương ngày càng lớn mạnh, giàu đep.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.