Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tang sau đám cưới

Theo Hải Bình - Lê Hoàng| 25/01/2015 11:47

7 trong 9 người tử vong trên chuyến xe 16 chỗ từ Nghệ An đi Quảng Ninh dự đám cưới là vợ chồng, anh em chú cháu một gia đình. Đám cưới bỗng chốc thành đại tang.

Đêm khuya gió rít từng cơn, con đường đất vào xóm 9, xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) gập ghềnh. Dọc đường nhiều tốp bà con vừa đi vừa bàn tán việc cùng lúc xóm có đến 5 đám tang là vợ chồng anh em trong một gia đình. “Tang thương, đau đớn quá. Nửa đời người chưa khi nào tôi chứng kiến đại tang thế này!”, người đàn bà tên Quý ở xã Vĩnh Sơn thảng thốt.

Trong 9 người tử nạn trên chiếc xe chiều 24/1 tại Thanh Hóa có 7 người là vợ chồng, anh chị em trong một gia đình, gồm: ông Đường Văn Quảng và vợ là Nguyễn Thị Thùy (cùng 51 tuổi); ông Đường Văn Trung (47 tuổi, anh trai ông Quảng); bà Đường Thị Phùng (65 tuổi, chị ruột ông Quảng); anh Đường Văn Sơn (37 tuổi, cháu ruột ông Quảng); chị Nguyễn Thị Cường (em vợ ông Quảng); ông Nguyễn Đình Kỷ (62 tuổi, anh vợ ông Quảng).

Hai người còn lại tử vong trong vụ tai nạn là tài xế Nguyễn Hữu Duyên (42 tuổi); chủ xe Võ Đức Vinh (45 tuổi, cùng trú tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn). Ngoài 9 người tử nạn, hiện 4 người khác trên chuyến xe đang bị thương đều là anh em họ hàng.

Chị Lê Thị Cẩm (vợ nạn nhân Sơn) cùng hai con nhỏ. Ảnh: Hải Bình.


Theo lịch trình ngày 24/1 gia đình ông Quảng tổ chức thuê chuyến xe để họ hàng ra Quảng Ninh dự đám cưới con gái Đường Thị Minh (25 tuổi) tại nhà trai ở Uông Bí (Quảng Ninh), được tổ chức vào sáng nay. Trước đó hai tuần gia đình ông Quảng đã tổ chức lễ cưới tại nhà cho con gái.

Nằm bệt trên giường ôm lấy hai con nhỏ 11 và 7 tuổi, chị Lê Thị Cẩm (32 tuổi) là vợ của anh Đường Văn Sơn vật vã khóc. Chị Cẩm cho biết, sáng qua chị đi làm nương thì nhận được điện thoại của chồng thông báo cùng với vợ chồng chú ruột và cô bác khởi hành ra Quảng Ninh ăn cưới. Trước lúc đi anh Sơn còn dặn vợ đi làm về sớm để nấu cơm cho hai con nhỏ ăn kẻo đói, anh đi ăn cưới xong ngày 25/1 về sẽ có quà kỷ niệm ở Quảng Ninh cho vợ con.

"Ai ngờ lời hứa của anh đã không trọn! Anh ơi, anh đi mà em không gặp. Anh hứa ngày mai xưới xong sẽ về với mẹ con em mà... Hai con còn nhỏ lắm anh ơi”, người vợ khóc nấc từng cơn.

Mới đoạn tang chồng được một tuần, giờ lại mất con trai, bà Nguyễn Thị Hà (62 tuổi, mẹ Sơn) vật vã gào khóc gọi tên con, rồi lại ngất lịm, phải nhờ cán bộ y tế chăm sóc. Người nhà cho biết, anh Sơn là cháu đích tôn của dòng họ. Vợ chồng anh làm ruộng, ngày nông nhàn chồng làm phụ hồ kiếm thêm thu nhập nuôi hai con.

Bà Trần Thị Hoa (vợ nạn nhân Trung) ngất lên ngất xuống sau cái chết của chồng. Ảnh: Hải Bình.


Chung một ngõ và tường rào với gia đình vợ chồng chị Cẩm là ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng ông Đường Văn Trung (47 tuổi, chú ruột của Sơn) và bà Trần Thị Hoa (44 tuổi). Vợ chồng ông Trung có hai người con, người con trai đi làm ăn xa, còn con gái học lớp 5 đi cùng chuyến xe định mệnh. Sau tai nạn, người bố tử vong, còn con gái Đường Thị Phương Anh đang cấp cứu.

“Anh Trung ơi con gái đang cấp cứu! Anh chết rồi thì ai chăm sóc con anh ơi!”, bà Hoa vừa khóc vừa gọi tên chồng.

Cách nhà bà Hoa hơn chục mét là ngôi nhà của vợ chồng ông Đường Văn Quảng và bà Nguyễn Thị Thùy. Nhiều tốp bà con lặng lẽ tới, không ai bảo ai, họ soạn bàn ghế, thu dọn đồ đạc để chuẩn bị lo hậu sự cho vợ chồng chủ nhà.

“Sáng qua trước khi đi đám cưới con gái, ông Quảng niềm nở chào và cảm ơn bà con láng giềng đã gửi lời chúc mừng hạnh phúc tới con gái và con rể. Ông Quảng nói hôm sau về sẽ làm thêm vài mâm cảm ơn anh em họ hàng. Không ngờ đám cưới đã bỗng chốc thành đám tang!", ông Trần Văn Hòa ở xóm 9, nói.

Ông Lê Trọng Vinh, xóm trưởng xóm 9 vừa vội vã đọc lên loa phát thanh xóm thông báo tin buồn, vừa đôn đốc bà con hỗ trợ gia đình lo hậu sự. “Chưa bao giờ làng quê tôi lại nhận một lúc 5 đám tang như thế này. Tang thương quá, phía gia đình đã thống nhất đưa tất cả thi thể nạn nhân về tập kết gần nghĩa trang để làm lễ chôn cất thay vì đưa về nhà sẽ không đủ xe đưa tang”, ông Vinh cho biết.

Có mặt tại gia đình nạn nhân, ông Nguyễn Trường Phỉ, Phó ban tuyên giáo huyện ủy Anh Sơn cho hay, nhận được tin, UBND huyện đã tổ chức đoàn công tác cùng với tỉnh ra Thanh Hóa để xử lý vụ tai nạn, một mặt cử người về gia đình để phối hợp chính quyền chăm sóc vợ con, bố mẹ các nạn nhân. Theo lịch trình, rạng sáng 25/1 thi thể các nạn nhân được đưa về tới quê nhà.

Trong khi đó, tại bệnh viên đa khoa Thanh Hóa, nơi có 5 người bị thương đang điều trị có một người bị gãy chân tay, chấn thương sọ não, dập vỡ nội tạng, tiên lượng khó qua khỏi.

Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ Lê Đăng Khoa, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, chiều tối qua bệnh viện đã tiếp nhận 4 bệnh nhân bị thương nặng sau tai nạn ở huyện Nghi Xuân. Đến sáng nay 3 người gồm chị Trần Thị Thùy Phương (25 tuổi), bà Nguyễn Thị Trợ (44 tuổi) và Lại Văn Cần (57 tuổi) đã qua cơn nguy kịch. Các bệnh nhân này vẫn phải điều trị tích cực và lâu dài, do bị chấn thương sọ não, gãy chân tay.

Nặng nhất là nạn nhân Nguyễn Đình Kháng, 49 tuổi, bị gãy chân tay, chấn thương sọ não, dập vỡ nội tạng. "Trường hợp này tiên lượng rất xấu, khó qua khỏi", ông Khoa nói.

Xe du lịch được cho là có vấn đề về mặt kỹ thuật nên mất lái, lấn làn rồi tông trực diện xe tải ngược chiều. Ảnh: Lam Sơn.


Trong 5 nạn nhân trên, trừ ông Lại Văn Cần ở Nông Cống (Thanh Hóa) là tài xế xe tải chở mía, 4 người còn lại đều có mối quan hệ họ hàng.

Trước đó khoảng 13h ngày 24/1, trên đường mòn Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Xuân Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa), xe khách hợp đồng 16 chỗ bất ngờ tông vào ôtô tải chạy ngược chiều. Cú va chạm mạnh khiến 6 người chết tại chỗ, 3 nạn nhân tử vong trên đường tới bệnh viện, 5 người khác đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Trước khi gặp nạn, xe khách 16 chỗ đã dừng lại sửa chữa

Một nhân chứng sống sót cho hay, trước khi gặp nạn, chiếc Mercedes 16 chỗ “có vấn đề” về kỹ thuật, nhà xe đã cố gắng khắc phục để tiếp tục hành trình về Hà Nội.

Cũng là nạn nhân sống sót trên chiếc xe du lịch, em Đường Thị Phương Anh kể, khoảng 10h30 ngày 24/1, đoàn xuất phát từ quê nhà xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. Quá trưa, xe chạy đến đầu tỉnh Thanh Hóa, nhiều người nhận ra bánh trước xe hoạt động khác thường. Sau nửa giờ dừng lại để sửa chữa, xe tiếp tục hành trình.

“Sửa xong nhưng mọi người vẫn có cảm giác bất an, có vẻ như trục trước bánh xe còn chao đảo. Mọi người khuyên tài xế dừng lại, nhưng không được chấp nhận”, Phương Anh nói và cho hay, khi nhiều người đang thiu thiu ngủ thì bất ngờ nghe tiếng động lớn như bom nổ.

Theo đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, nhận định ban đầu về nguyên nhân tai nạn có thể do xe 16 chỗ đã phóng quá nhanh, khi lên dốc tài xế bẻ cua gấp nên mất lái, lao vào xe tải đi ngược chiều chứ không phải xe bị nổ lốp như phán đoán ban đầu.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại tang sau đám cưới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.