(HNMCT) - Hơn 40 năm gắn bó với lực lượng Công an nhân dân, Đại tá, nhạc sĩ Đức Tuyết (nguyên Trưởng ban Văn hóa - Thể thao, Truyền hình Công an nhân dân) đã có nhiều đóng góp làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người chiến sĩ Công an. Đặc biệt, ông đã sáng tác nhiều ca khúc để nhân dân hiểu thêm về công việc, tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ Công an với sự nghiệp gìn giữ an ninh trật tự và an toàn xã hội.
1. Tôi gặp nhạc sĩ Đức Tuyết trong một chiều đầu tháng 8 khi ông đang tất bật chuẩn bị cho tập sách “Nhạc sĩ Đức Tuyết - Ta người chiến sĩ Công an nhân dân” tập hợp những ca khúc về lực lượng Công an nhân dân. Cả cuộc đời gắn bó với lực lượng Công an nhân dân, ông mong muốn tỏ lòng tri ân đến những người đồng đội của mình. Với ông, thực tế công việc của những người đồng đội luôn là chất liệu cho âm nhạc.
“Trong sáng tác, tôi không bó buộc mình vào bất cứ điều gì mà tất cả đều đến một cách bất chợt. Có cảm xúc thì sáng tác, không gượng ép. Tôi là người sáng tác đa dạng về các đề tài như tình cảm đối với gia đình, quê hương, tình yêu đôi lứa nồng nàn, lãng mạn nhưng hơn hết, là một người chiến sĩ Công an, tôi phải viết để tri ân đồng đội” - nhạc sĩ Đức Tuyết nhấn mạnh.
Luôn sống chân thành, cởi mở, ông luôn được đồng đội yêu mến, kính trọng. Là người có nhiều năm làm việc với nhạc sĩ Đức Tuyết tại Truyền hình Công an nhân dân, Thiếu tá, nhà biên kịch Vũ Liêm cho rằng: “Đức Tuyết là nhạc sĩ của những tác phẩm trữ tình cho dù ông cũng viết hành khúc thành công. Đó là những phút giây thăng hoa cùng lý tưởng mà ở đó chúng ta chạm được giá trị nhân văn của thế hệ ông, một thế hệ mang tinh thần thép nhưng trái tim ẩn chứa nhiều cảm xúc. Hình tượng người chiến sĩ Công an ở tác phẩm của ông thật gần gũi, có sức sống mãnh liệt. Ông nghiêm khắc với bản thân nhưng lại dễ nảy sinh lòng trắc ẩn với đồng đội cũng như những người xung quanh”.
2. Nhạc sĩ Đức Tuyết luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương của nhà thơ Tản Đà - xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông sớm yêu, gắn bó, tâm huyết với văn học nghệ thuật. Chính vì thế, đến tuổi trưởng thành, ông theo học thanh nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Tại đây, ông được Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu truyền lửa đam mê ca hát.
Cũng chính vì muốn phát triển âm nhạc một cách đa dạng, toàn diện, ông đã tiếp tục theo học chuyên ngành sáng tác dưới sự chỉ bảo của Giáo sư Phạm Minh Khang. Có năng khiếu, niềm đam mê lại được hai người thầy lớn giảng dạy tận tình, Đức Tuyết dần khẳng định được tên tuổi ở cả hai mảng thanh nhạc và sáng tác. Là một ca sĩ đồng thời là một nhạc sĩ, ông có nhiều lợi thế trong sáng tác khi có thể “đong đếm” giai điệu và lời ca phù hợp với giọng hát của mỗi người thể hiện.
Là người trong ngành, Đức Tuyết thừa nhận mình có nhiều lợi thế trong việc sáng tác về người chiến sĩ công an trên các mặt trận như an ninh, tình báo, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động... Tiêu biểu trong số đó là: “Về với Tây Nguyên”, “Nhớ đồng đội”, “Hát về người chiến sĩ an ninh” (thơ Phạm Văn Thạch), “Bài ca y tế Công an nhân dân” (thơ Lê Anh Ngoan), “Học viện Cảnh sát nhân dân vững vàng tiến bước”, “Lính truy nã”, “Ngôi sao mai”, “Hành khúc nữ chiến sĩ Công an” (thơ Phan Gia Liên), “Em là nữ chiến sĩ Công an Cần Thơ” (thơ Phan Gia Liên), “Tự hào thay người tình báo Công an nhân dân” (thơ Phan Gia Liên), “Bài ca Viện Y học cổ truyền Công an nhân dân”, “Gặp anh ngày chống dịch"...
Trong đó, ca khúc “Gặp anh ngày chống dịch” được giới thiệu trong chương trình “Giai điệu bình yên” về chủ đề chống dịch do Truyền hình Công an nhân dân sản xuất gần đây. Ca khúc ra đời khi ông cảm nhận được từ đôi mắt của các bác sĩ trong lực lượng Công an nhân dân có sự mệt mỏi, lo âu nhưng họ vẫn sẵn sàng trở thành F0 chăm sóc, chữa trị tận tình cho bệnh nhân với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”.
Đặc biệt, trong những ngày tháng 7 vừa qua, ông đã sáng tác ca khúc “Biển và người nữ Công an Anh hùng” về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lợi - người chiến sĩ công an kiên cường, một biểu tượng của lực lượng Công an nhân dân trong thời kỳ đầu. Viết ca ngợi một nhân vật lịch sử thật không dễ, nếu không đặt vấn đề đúng thì dễ rơi vào mạch kể chuyện mà báo chí, văn học rất có lợi thế. Để ca khúc có sự khác biệt, ông đã “mượn” lời của biển: “Biển như vẫn hát khúc ca về người Anh hùng/ Bài ca chiến thắng vang dội đất mẹ/ Chị mãi mãi không về để lại bản hùng ca vang mãi muôn đời sau...”.
Sự kiện chị Nguyễn Thị Lợi làm nhiệm vụ kích nổ hàng trăm tấn chất nổ của Pháp mang sang phục vụ chiến tranh ở Việt Nam diễn ra từ năm 1950 nhưng ám ảnh tôi rất nhiều. Tôi muốn thông qua âm nhạc để khẳng định người chiến sĩ Công an từ thời kỳ đầu cho đến hôm nay vẫn một lòng kiên trung sắt son với Đảng, với nhân dân, vẫn luôn “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” - nhạc sĩ Đức Tuyết nhấn mạnh.
3. Thời kỳ làm Trưởng ban Văn hóa - Thể thao, Truyền hình Công an nhân dân, nhạc sĩ Đức Tuyết đã có nhiều ý tưởng xây dựng chương trình, tạo nên “thương hiệu” của kênh truyền hình khi đó còn non trẻ, trong đó có chương trình “Giọng ca vàng qua các thế hệ”. Cái khó là những nghệ sĩ được giới thiệu đều đã rất nổi tiếng, điều đó đòi hỏi ông và đồng đội phải tạo ra sự khác biệt, mới lạ, độc đáo. Chính vì thế, nhạc sĩ đã cố gắng xây dựng chương trình không chỉ khái quát được quá trình cống hiến, những thành tích của các nghệ sĩ mà còn chia sẻ với khán giả những góc khuất, ký ức buồn vui trong quá trình làm nghệ thuật của họ.
Nhìn vào số lượng ca khúc về lực lượng Công an nhân dân, nhạc sĩ Đức Tuyết cho rằng đó là kho tàng quý giá, đáng tự hào, nhất là trong đó có sự góp mặt của các nhạc sĩ tên tuổi của đất nước, như Trọng Bằng, Văn Cao, Phạm Tuyên... Dòng chảy âm nhạc về lực lượng Công an nhân dân tiếp tục được các nhạc sĩ thế hệ hôm nay tiếp bước, sáng tác từ trách nhiệm và cảm xúc của mình. Tuy nhiên, dưới con mắt của người làm truyền hình, ông cho biết, việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm mới về lực lượng Công an nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. Các đoàn nghệ thuật chưa chịu tìm tòi xây dựng tác phẩm mới, cứ quen sử dụng tác phẩm có sẵn.
“Các sáng tác cũ và mới phải được đan xen sử dụng để đem lại luồng gió mới cho đời sống âm nhạc của người chiến sĩ công an. Đó cũng là cách để khuyến khích, động viên các nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều hơn nữa, hay hơn nữa về người chiến sĩ công an” - ông nói.
Mới đây, ông sáng tác ca khúc “Ngày đồng đội ra đi” dựa vào điếu văn của Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội tưởng nhớ sự hy sinh của 3 chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ông luôn mong muốn và hy vọng lời ca, nốt nhạc của mình sẽ góp phần tôn vinh chiến công, sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an để đời sống nhân dân được bình yên và hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.