Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân Hoài Thanh: ''Môi trường quân ngũ đã rèn luyện nên tôi hôm nay''

Nguyễn Thảo| 26/12/2021 05:20

(HNMCT) - Hơn 40 năm gắn bó với môi trường quân đội, Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoài Thanh (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Thanh nhạc, khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) luôn tự hào là người nghệ sĩ, chiến sĩ được mang lời ca tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đặc biệt, với chị, được mang tiếng hát của mình để khích lệ tinh thần các chiến sĩ, giúp họ thêm vững tin, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc vừa là trách nhiệm vừa là niềm vinh dự.

Nghệ sĩ nhân dân Hoài Thanh.

1. Dù đã nghỉ hưu vài năm nay nhưng mỗi khi nhắc đến Đại tá, NSND Hoài Thanh, nhiều đồng nghiệp ở khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội vẫn nhắc nhớ với sự trân trọng về một người giảng viên hết lòng vì học trò. Là giảng viên từng được NSND Hoài Thanh giúp đỡ khi mới bỡ ngỡ về khoa, Đại úy, nhạc sĩ Dương Trọng Thành cho biết: “Là nghệ sĩ nổi tiếng từng “vào sinh ra tử” phục vụ bộ đội trong chiến trường, từng đào tạo nhiều “hạt nhân” văn hóa văn nghệ cho quân đội, thế nhưng cô Hoài Thanh luôn giản dị, khiêm nhường. Ở cô hiện lên phẩm chất đáng quý của Bộ đội Cụ Hồ”. Đúng như vậy, trong thời gian không dài được trò chuyện cùng chị, tôi đã phần nào cảm nhận được điều đó, nhất là khi tôi đặt vấn đề được viết về chị, chị xua tay: “Chị về hưu rồi, có thành tích gì đâu mà viết...”.

Ai cũng hiểu chị khiêm tốn khi nói về mình bởi khi được ngồi nghe chị kể chuyện đời và chuyện nghề mới thấy, hơn 40 năm qua với chị là quãng thời gian nhiều vinh quang, tự hào nhưng cũng thấm đẫm những giọt mồ hôi và nước mắt. Chị sinh ra trong một gia đình yêu ca hát ở Nam Định nhưng khi chị chừng 5 tuổi, cả gia đình chuyển về sống tại Hải Phòng. Bộc lộ năng khiếu ca hát từ nhỏ nên năm 1975, cô gái Trần Thị Thanh (tên thật của chị) tròn 20 tuổi, đang là công nhân Nhà máy Cơ khí Nam Thái (Hải Phòng) đi thi và giành giải Nhất cuộc thi “Giọng hát hay” do thành phố Hải Phòng tổ chức. Đó thực sự là bước ngoặt của cuộc đời chị, đưa chị từ một cô công nhân đến “người của công chúng”. Bước ra từ cuộc thi, chị đã xuất hiện trong hầu hết hoạt động văn hóa, văn nghệ của thành phố Cảng.

Dần dà, sự nổi tiếng của chị đã đến tai Đoàn Văn công Trường Sơn và ngay lập tức lãnh đạo đoàn đã cử đồng chí Lê Nam (sau là Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về tuyển chị vào đoàn. “Khi về Đoàn Văn công Trường Sơn, tôi được đồng chí Cục trưởng Cục Chính trị trực tiếp thẩm định giọng hát. Khi ấy tôi đã hát 3 bài “Bài ca bên cánh võng”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Thành phố hoa phượng đỏ”... và được đánh giá cao. Sau đó, các thủ trưởng giao nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ dạy tôi hát song ca cùng ca sĩ Duy Thường bài hát “Tình em gửi trọn con đường”, nghệ sĩ Hoài Thanh nhớ lại.

2. Sở hữu chất giọng đẹp, trầm ấm bẩm sinh và khi vào đoàn chị được người đàn anh Hoàng Chè (sau là Nghệ sĩ Nhân dân) truyền dạy kiến thức về luyện thanh, xướng âm, nhạc lý... nên giọng hát của chị ngày càng hoàn thiện. Cùng với đó, chị được đoàn cho đi tập huấn thanh nhạc và được học các thầy cô đều là những nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Hiếu, Gia Khánh, Thúy Hiền, Mai Khanh, Lệ Chi... Năm 1978, chị học hệ trung cấp thanh nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Có trải nghiệm, lại được học hành bài bản, chị đã khẳng định được tên tuổi qua những ca khúc như “Người chiến sĩ ấy”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Nhạc rừng”, “Đất nước lời ru”...

Là ca sĩ của Đoàn Văn công Trường Sơn rồi Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 (nay là Đoàn Văn công Quân khu 2), chị đã cùng các nghệ sĩ trong đoàn đi biểu diễn ở nhiều vùng đất như Gio Linh, Thành cổ (Quảng Trị), Ba Chúc (An Giang); Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (Tây Ninh), Thanh Thủy, Vị Xuyên (Hà Giang), Phong Thổ (Lai Châu)... rồi tham gia biểu diễn ở nhiều nước, như Liên Xô, Lào, Campuchia... Đặc biệt, trong chiến tranh biên giới, chị và các nghệ sĩ trong đoàn đã lên tận trận địa để động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. “Ngày ấy mỗi khi chuẩn bị đi biểu diễn, nhạc sĩ Thuận Yến, Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 thường động viên chúng tôi: “Các đồng chí hãy thể hiện quyết tâm cao nhất, nếu có hy sinh Tổ quốc sẽ ghi công các đồng chí...”. Dẫu biết rằng vào trận địa là đối diện với cái chết bất cứ lúc nào nhưng chúng tôi cứ có lệnh là đi, đi một cách vô tư với tinh thần và ý chí mạnh mẽ” - nghệ sĩ Hoài Thanh cho biết.

3. Sau 26 năm phục vụ ở hai đoàn văn công, năm 2001, chị chuyển về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội). Trên cương vị giảng viên thanh nhạc, chị quan niệm phải giảng dạy bằng cái tâm, phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tình, kiên trì... “Giảng dạy nghệ thuật mang tính đặc thù, đòi hỏi giảng viên phải có phương pháp linh hoạt, sáng tạo, uyển chuyển, không thể cứng nhắc, khuôn phép được vì năng khiếu và mức độ cảm thụ của mỗi học viên là khác nhau. Tôi thường dùng lòng bao dung, sự thương yêu để dạy dỗ các em trưởng thành. Tôi vui mừng, tự hào khi thấy những lứa học trò ra trường đến hơn 20 năm vẫn quay về thăm cô nhân ngày 20-11, và tôi nghĩ mình đã phần nào thành công trong giảng dạy” - chị chia sẻ.

Hiện tại, sau khi nghỉ hưu, cuộc sống của NSND Hoài Thanh ngập tràn niềm hạnh phúc bên một gia đình toàn những người theo nghệ thuật. Chồng của chị vốn là nghệ sĩ múa của Đoàn Văn công Quân khu 2, con gái cả giống cha cũng đang là nghệ sĩ múa của Đoàn Văn công Quân khu 2. Hai con trai của chị một người công tác tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, một người chơi guitar bass ở Đoàn Văn công Quân khu I. Cả gia đình theo nghệ thuật luôn mang đến cho chị niềm tự hào mỗi khi trò chuyện với những người bạn cùng trang lứa, bởi với chị, hoạt động nghệ thuật mà nhất là trong quân đội sẽ tạo nên cho người nghệ sĩ một tâm hồn lãng mạn, một tâm thế vững vàng. 

NSND Hoài Thanh bảo, cả cuộc đời của chị lao động, phấn đấu như công nhân có năng suất cao, có sản phẩm chất lượng. Ý chị muốn “khoe” khéo về những người học trò của mình hiện nay đã và đang làm quản lý ở các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, họ đã và đang góp sức mình để xây dựng một nền nghệ thuật chuyên nghiệp. Chị biết ơn những năm tháng được đào tạo ngặt nghèo trong quân đội đã giúp chị rèn ý chí,  nghị lực, quyết tâm để vượt qua khó khăn, trắc trở trong cuộc sống.

Đại tá, NSND Hoài Thanh (tên thật là Trần Thị Thanh) sinh năm 1955 tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Chị được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1997, được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2016. Trong sự nghiệp, chị đã giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 với bài hát “Đất nước lời ru”, Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999 với bài “Kèn lá ru đêm”, Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 1995 và Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1997 với bài “Theo câu sli”, Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 2000 với bài “Ú lụ non” (“Ru con ngủ”, dân ca người Thái) và bài “Nhớ chiều Tây Bắc”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân Hoài Thanh: ''Môi trường quân ngũ đã rèn luyện nên tôi hôm nay''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.