(HNM) - Đại lộ Thăng Long, một trong những con đường được coi là hiện đại nhất Việt Nam, được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với 4 làn đường cùng hệ thống công trình phụ trợ như đường gom, cầu vượt, cầu chui dân sinh… Ngỡ rằng "chỉ ngày một, ngày hai", các công trình phụ trợ sẽ được hoàn thiện theo… tiến độ giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, đã tròn 2 năm trôi qua từ khi đưa vào sử dụng đại lộ và hơn 3 năm bàn giao mặt bằng, người dân vẫn chịu khổ vì nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, nhiều chỗ để cỏ mọc, hoang phế.
Sau hơn 2 năm Đại lộ Thăng Long được thông xe kỹ thuật, chúng tôi trở lại con đường được coi là đẹp nhất Việt Nam này. Mặt đường rộng 140m, 4 làn đường tách biệt: gom trái, cao tốc trái, gom phải, cao tốc phải và 2 hầm chui, 12 nút giao, 13 cầu vượt... Ngoài ra còn có dải phân cách giữa rộng 20m đã được quy hoạch xây dựng đường sắt đô thị, quỹ đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị.
Cây cầu vượt trên địa phận xã An Khánh vẫn chưa có đường gom lên cầu. |
Dài 29km, Đại lộ Thăng Long đi qua các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất ở phía tây thành phố. Nhiều người dân Hà Nội hy vọng, con đường sau khi hoàn thành sẽ đẹp, hoành tráng, xứng với Thủ đô nghìn năm tuổi. Thế nhưng hơn 5 năm kể từ khi triển khai, người dân qua lại luôn chịu cảnh "bão" bụi và những "ổ gà", "ổ voi" dọc tuyến đường. Đã nhiều lần Chính phủ gia hạn, lùi thời hạn, tăng thêm kinh phí… nhằm làm cho các công trình phụ trợ của đại lộ hoàn thiện, đúng theo ý đồ thiết kế. Song...
Anh Nguyễn Văn Bình, ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, đã bị thu hồi hơn 200m2 đất tại nút giao cắt Đại lộ Thăng Long với đường Xuân Mai - Sơn Tây than thở: "Nhiều nhà báo hỏi chúng tôi lắm rồi. Nhưng rốt cuộc cũng chẳng giải quyết được gì đâu". Theo anh Bình, ngay từ khi có chủ trương mở rộng đường Láng - Hòa Lạc thành Đại lộ Thăng Long, gia đình anh đã chấp hành nghiêm chỉnh giải phóng mặt bằng. Vậy mà suốt từ năm 2009, thời điểm gia đình anh bàn giao mặt bằng đến nay, công trình vẫn cứ ngổn ngang. Đường gom, đường điện đã được quy hoạch, cắm chỉ giới, song vẫn ngổn ngang gạch đá khiến gia đình anh không thể cải tạo, xây dựng lại nhà cửa. Chỉ nơi được thiết kế dành cho cầu vượt, anh Bình ngậm ngùi: "Chúng tôi giao đất, tưởng công trình kỷ niệm 1000 năm thì nhanh, ai dè đất thì bỏ hoang phế cho cỏ mọc, dân thì sống chung với bụi, lại không còn đất mà canh tác".
Ông Nguyễn Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa, sau một hồi trầm ngâm cũng lắc đầu quầy quậy: "Công trình chính thì chậm kéo theo một loạt các công trình khác cũng phải dang dở". Ông Khải cho biết, ở thời điểm năm 2008, ngay sau khi có quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chính quyền huyện Thạch Thất, xã Thạch Hòa đã rất rốt ráo cho công trình kỷ niệm 1000 năm. Nhiều hộ gia đình bị mất đất, thiếu chỗ ở đã phải làm đơn xin vào ở tại khu tái định cư Láng - Hòa Lạc. "Mặc dù hạ tầng khu này chưa xong, nhưng dân bức xúc về chỗ ở nên vẫn phải cho họ vào để ổn định đời sống. Cũng chính vì lẽ đó, hạ tầng của khu tái định cư chưa đồng bộ, chưa đạt chuẩn của một khu tái định cư".
Theo thống kê sơ bộ, dọc tuyến Đại lộ Thăng Long, với 13 cầu vượt tại 13 điểm giao cắt với các đường trục chính trên các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có đến 7 chiếc cầu vượt chưa hề có đường gom, đường dẫn lên cầu. Ông Nguyễn Viết Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, huyện Hoài Đức bức xúc nói: "Các anh đi vào được đến đây rồi thì các anh biết, từ Đại lộ Thăng Long đến đây (trụ sở UBND xã An Khánh) làm gì có đoạn nào tử tế. Không "ổ voi", "ổ gà" thì cũng ụ chìm, ụ nổi. Ở đầu làng Yên Lũng, sau khi đại lộ mở rộng đã phá vỡ đường dân sinh của làng, đồng thời phá vỡ tuyến đường liên xã đã hơn 3 năm nay đến nay vẫn chưa hoàn trả. Riêng đối với cầu vượt, người dân trong xã cũng đã bàn giao mặt bằng 3-4 năm nay nhưng vẫn chưa có đường gom để dân có thể đi lại. Động mưa là ngập, có khi ngập đến ngang lưng". Cứ theo tính toán của ông Hướng, đường vành đai đã ảnh hưởng đến cả hàng nghìn hộ dân của xã. Tính một cách đơn giản, toàn xã có hơn 18 nghìn khẩu với hơn 5 nghìn hộ thì hằng ngày để đi lại, các hộ dân phải đi vòng vèo qua các cầu chui mà không được đi lại trên cây cầu đã hiện hữu hơn 2 năm nay.
Hàng loạt cây cầu thiếu đường dẫn, gây khó khăn cho người dân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.