Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại lễ: Nhân lên niềm tự hào dân tộc

Hà Dương - Văn Giang| 11/10/2010 07:46

(HNM) - Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện trọng đại của dân tộc, làm dấy lên tinh thần tự hào của người dân Thủ đô và cả nước. Những cây cầu, con đường không chỉ làm cho dịp Đại lễ mà đã được tăng tốc trên lộ trình hiện đại hóa tất yếu của Hà Nội.

Đại lộ Thăng Long, công trình chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.  Ảnh: Viết Thành


GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Các công trình Đại lễ là để phục vụ lâu dài cho đời sống người dân
Hà Nội trong hơn 2 thập kỷ qua đang trên đà tăng tốc, hiện đại hóa rất nhanh. Trong thời gian này có rất nhiều công trình mới và hiện đại, mà mới và hiện đại thì phải tốn kém, nhưng tốn kém cũng là để phục vụ lâu dài cho đời sống người dân. Các công trình này lại diễn ra gần sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và nó đã nhận được sự thúc đẩy bởi yêu cầu kỷ niệm một cách xứng đáng, hiện hữu. Do đó những cây cầu hay con đường vành đai không phải làm chỉ để cho dịp ngàn năm, mà chỉ là đã được tăng tốc hơn trên lộ trình hiện đại hóa tất yếu của Hà Nội.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện nghìn năm có một, cũng là việc mà lần đầu tiên chúng ta làm, trong đó có những công việc lâu dài, có cả những hoạt động bề nổi ngay trong những ngày Đại lễ. Hoạt động chiều sâu thì có những ấn phẩm, triển lãm, khoa học làm sáng rõ lịch sử văn hóa Hà Nội. Các hoạt động hướng vào cộng đồng khác có thể chưa được như mong muốn nhưng tác dụng lớn nhất là nó đã dấy lên tinh thần tự hào dân tộc của người dân Thủ đô cũng như cả nước. Sự đóng góp và vào cuộc của các địa phương không phải là hình thức, nhất là khi có sự tham gia tích cực của rất nhiều cá nhân, tổ chức. Người ta hứng khởi thì người ta mới làm. Những hoạt động này góp phần khơi dậy tình yêu với Thủ đô, gắn liền với tình yêu đất nước. Trong các hoạt động cộng đồng, chúng ta cũng không thể đòi hỏi nó hàn lâm được. Đặc biệt chúng ta đừng lẫn các hoạt động đầu tư lâu dài với các hoạt động hướng vào cộng đồng dân cư dịp này.

Tôi cho rằng tác động của các hoạt động trong dịp Đại lễ là rất tốt. Tinh thần hứng khởi hướng về Thủ đô, về đất nước là rất quan trọng, rất cần thiết lúc này. Đây cũng là dịp người Hà Nội nghĩ về mình và tự đặt ra yêu cầu nâng mình lên, tiếp nối truyền thống ông cha, đáp ứng yêu cầu thời đại mới.

PGS Trần Nghĩa - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm: Đã là lễ hội, hoạt động cộng đồng thì cần phải có sự đầu tư
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp để cho giới trí thức mà các cụ xưa gọi là "tai mắt" của dân tộc ấy tổng kết, chỉ ra được những giá trị tồn tại lâu dài, đã được khẳng định cùng với thời gian, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa mà trước đây ta chưa có điều kiện đánh giá, đầu tư.

Tuy nhiên, những công trình chúng ta làm vì tương lai và nhân dịp này cũng không thể sốt ruột được. Phải có bước một rồi mới có bước hai, giống như đi đường vậy. Cho nên, nếu có những điều chưa được toại nguyện thì cũng là bình thường. Như công trình Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến vậy, cũng đang là những bước đi đầu tiên. Song chắc chắn đây sẽ là những bước khởi đầu rất quan trọng mà dịp này ta có điều kiện để khởi động.

Chúng tôi vẫn nói với nhau là việc đầu tư như "lấy tép câu tôm", cái bỏ ra chỉ như con tép thôi, cái thu được là con tôm. Nhà khoa học đã làm thì người ta không tính toán gì đâu, số tiền đầu tư chỉ để gây men cho các nhà nghiên cứu. Sau đó cỗ máy ấy sẽ tự nó vận hành, không tính toán gì hết. Đó là cái tâm!

Việc tổ chức các lễ hội, hoạt động cộng đồng thì đương nhiên có sự đầu tư, thậm chí tốn kém, giống như xây nhà, gạch ngói vôi vữa cũng có lúc rơi vãi. Cái giỏi là ta hoạt động sao cho đúng tinh thần phát huy truyền thống, chống lại việc lợi dụng lễ hội để trục lợi.

PGS.TS Phạm Văn Tình - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, Viện KHXH Việt Nam): Hà Nội đã có một kế hoạch thấu đáo cho Đại lễ
Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là cuộc ra quân tổng lực nhất của không chỉ nhân dân Thủ đô mà còn là của đồng bào cả nước hướng về Thủ đô thân yêu. Hà Nội đã có một kế hoạch thấu đáo cho công việc này. Tôi vừa đi công tác ở Đức, Pháp, Áo, Séc về, có thời gian sống khá lâu trong cộng đồng người Việt ở Pháp, thấy không khí Đại lễ lan tỏa tới đây rất rõ, khiến họ tự hào và xác định một phần trách nhiệm để làm cho Thủ đô, đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

Quay trở lại vấn đề một số người cho rằng, sự chuẩn bị của Hà Nội hơi ầm ĩ. Nhưng chỉ cần quay ngược lại 5 năm trước sẽ thấy Thủ đô có nhiều bước phát triển. Nhiều công trình lớn như Đại lộ Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội, cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3... góp phần cho diện mạo Hà Nội đẹp hơn. Ngoài ra, ai cũng biết rằng cư dân Hà Nội giờ đã có hơn 6 triệu người cùng rất nhiều người nơi khác đến sinh sống, lao động công tác. Điều này dẫn đến sự thay đổi về phong tục, tập quán nhưng phải thừa nhận rằng cốt cách người Hà Nội không những được bảo tồn, phát huy mà còn phát triển mới. Bạn bè quốc tế cũng đánh giá cao truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội mà minh chứng rõ nhất là phát biểu của đại diện tổ chức UNESCO trong lễ đón nhận bằng Di sản thế giới cho Hoàng thành Thăng Long.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại lễ: Nhân lên niềm tự hào dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.