Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI: Đánh dấu mở đầu thời kỳ đổi mới

Đình Hiệp| 19/01/2021 07:08

(HNM) - Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (năm 1982), công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã thu được những thành tựu quan trọng. Song, bên cạnh đó cũng xuất hiện mặt trái của tình hình, nhất là về kinh tế - xã hội, sự trì trệ về sản xuất, sự rối ren về phân phối, lưu thông và những khó khăn trong đời sống nhân dân. Vì thế, Đảng ta xác định Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI phải đánh dấu sự đổi mới về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của đất nước trong tình hình mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp từ ngày 15 đến 18-12-1986 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.129 đại biểu, thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong cả nước. Dự Đại hội có 32 đoàn đại biểu quốc tế.

Đại hội đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh trình bày diễn văn khai mạc; đồng chí Trường Chinh trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Võ Văn Kiệt trình bày Báo cáo về phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm (1986-1990).

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm khuyết điểm, đổi mới tư duy lý luận, Đại hội đề ra đường lối đổi mới. Trước hết, là đổi mới cơ cấu kinh tế (cơ cấu công - nông nghiệp; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp nặng và kết cấu hạ tầng; cơ cấu kinh tế huyện). Thực hiện 3 chương trình kinh tế, gồm: Chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu. Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế.

Đại hội đã đưa ra quan điểm mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa dựa trên 3 nguyên tắc. Thứ nhất, phải theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp. Thứ hai, phải xuất phát từ thực tế của nước ta và vận dụng quan điểm của Lênin coi trên nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Thứ ba, trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xây dựng quan hệ sản xuất trên cả 3 mặt: Xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa.

Đại hội giao Ban Chấp hành Trung ương khóa VI chỉ đạo thực hiện thành công những nhiệm vụ đề ra trong Báo cáo chính trị, mà quan trọng là: Thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách thường xuyên với những hình thức và bước đi thích hợp, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất...; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế…

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI với 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu là Tổng Bí thư. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ được giao trọng trách làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI: Đánh dấu mở đầu thời kỳ đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.