Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thanh Trì lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân cùng xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đặc biệt là xây dựng thành phường xanh, thông minh...
Đại hội diễn ra trong 2 ngày (25 và 26-7) tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao xã Thanh Trì (Hà Nội).
Xã Thanh Trì mới được thành lập theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 ngày 16-6-2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Xã được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số các xã: Tứ Hiệp, Yên Mỹ, Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Văn Điển, các xã: Duyên Hà, Vĩnh Quỳnh, Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) và phường Yên Sở (quận Hoàng Mai). Xã có tổng diện tích tự nhiên là 10,15 km2, quy mô dân số hơn 55 nghìn người.
Xã Thanh Trì nằm trên trục kết nối các tuyến giao thông: Đường Vành đai 3, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam, gần Bến xe nước ngầm, ga Ngọc Hồi hình thành trong tương lai; là đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, hành khách giữa Hà Nội và các tỉnh phía Nam, phía Đông Bắc Bộ. Một trong những trụ cột kinh tế chủ yếu của xã Thanh Trì là thương mại - dịch vụ, lĩnh vực đang phát triển nhanh nhờ lợi thế giao thông vượt trội…
Đảng bộ xã Thanh Trì có 68 tổ chức cơ sở Đảng với 2.966 đảng viên. Các tổ chức Đảng trên địa bàn đã chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; chủ động định hướng tư tưởng, dư luận xã hội cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cấp ủy Đảng và các cơ quan, đơn vị đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được triển khai nghiêm túc, bài bản, sáng tạo, có nhiều đổi mới gắn chặt với việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác tổ chức xây dựng Đảng được tập trung chỉ đạo quyết liệt; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy và tổ chức Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên được tăng cường, góp phần nâng cao kỷ luật trong Đảng. Công tác dân vận có nhiều đổi mới thiết thực về nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Kinh tế các xã phục hồi nhanh, tiếp tục có bước tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất bình quân các xã trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập thành xã Thanh Trì giai đoạn 2020-2025 đều tăng và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân ước đạt 86 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị với sự cố gắng, nỗ lực vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, các xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó xã Yên Mỹ (cũ) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực được thành phố công nhận là điểm du lịch của thành phố Hà Nội, thị trấn Văn Điển (cũ) được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Tổng hợp kết qủa rà soát các tiêu chí xã lên phường, hiện còn 1 tiêu chí chưa đạt, là: Tiêu chí tự cân đối thu - chi ngân sách.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, các xã tiền thân của xã Thanh Trì đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kỹ thuật và xã hội, góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Đến nay, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình giao thông quan trọng, như: Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường liên xã, ngõ xóm, kết nối với đường Vành đai 3 và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giảm ùn tắc và thúc đẩy giao thương...
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn xã Thanh Trì đạt nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn được nâng cao: Trường THCS Chu Văn An (trường có kết quả thi vào lớp 10 THPT luôn đứng đầu toàn huyện Thanh Trì (cũ), luôn đứng tốp 10 trong 679 trường THCS toàn thành phố). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được giữ vững và bảo đảm.
Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thanh Trì lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 được diễn ra ngay sau khi Thủ đô Hà Nội cùng cả nước triển khai thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tổ chức thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Điểm nhấn quan trọng thể hiện qua việc Đảng bộ xã Thanh Trì xác định rõ 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2025-2030.
Một là, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng xã hội, quan tâm phát triển các khu đô thị mới, khu đô thị theo hướng đô thị sinh thái trên địa bàn; xây dựng và phát triển xã thành phường theo hướng xanh, thông minh, hiện đại.
Trong đó, tập trung quy hoạch đô thị theo định hướng của Thủ đô, bảo đảm đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và phát triển hạ tầng, đầu tư xây dựng ít nhất 10km đường giao thông nội bộ mới hoặc nâng cấp, kết nối với các tuyến quốc lộ; hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch đạt 100% phủ sóng, thoát nước chống ngập úng tại các khu dân cư; nâng cấp lưới điện thông minh, giảm tổn thất điện năng dưới 5%.
Về hạ tầng xã hội, xây dựng và cải tạo ít nhất 5 trường học, 2 trạm y tế và 3 công viên công cộng đạt chuẩn. Bảo vệ môi trường bằng cách lắp đặt hệ thống giám sát không khí tự động tại các điểm nóng; xử lý nước thải tập trung cho ít nhất 90% khu vực đô thị; trồng mới 10.000 cây xanh, hình thành các tuyến đường xanh; áp dụng công nghệ số trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, đạt tỷ lệ tái chế 50%, góp phần giảm phát thải carbon và xây dựng đô thị bền vững.
Hai là, đẩy mạnh chính quyền số phục vụ nhân dân; thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực: Quản lý đất đai, dân cư, giáo dục, y tế, tài chính - ngân sách…
Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị; sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, tinh thần phục vụ, chuyên môn vững, tác phong chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đại hội cũng đã đề ra 14 chỉ tiêu, 5 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phát triển tổ chức Đảng và đảng viên; phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa; đẩy mạnh đô thị hóa đồng bộ, tập trung quy hoạch và đầu tư hạ tầng đô thị theo hướng xanh, thông minh... làm cơ sở để cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển từng năm trong cả nhiệm kỳ 2025-2030.
Đại hội Đảng bộ xã Thanh Trì lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra giai đoạn mới trong xây dựng, phát triển, hưởng ứng và hành động thực hiện tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với truyền thống lịch sử, anh hùng, cách mạng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, những thành tựu kinh nghiệm của gần 40 năm đổi mới của đất nước và Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng các tầng lớp nhân dân trong xã quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, xây dựng phát triển toàn diện và bền vững.
Một số chỉ tiêu chính đến năm 2030:
* Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển tổ chức Đảng, đảng viên
1. Về phát triển đảng viên:
Kết nạp hơn 40 đảng viên/năm (tuổi bình quân đảng viên mới kết nạp giảm 0,2 tuổi so với nhiệm kỳ 2020-2025; tỷ lệ đảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bình quân tăng 2%, trong đó, trình độ đại học tăng 3% so với nhiệm kỳ trước; kết nạp đảng viên là học sinh trung học phổ thông mỗi trường từ 1 đến 2 đảng viên/năm).
2. Về phát triển tổ chức Đảng:
Đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy: Thành lập 3-4 tổ chức Đảng mới; kết nạp trên 8 đảng viên mới (trong đó cả nhiệm kỳ có 2-3 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân).
3. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ:
- 100% chi bộ thực hiện đầy đủ nội dung, đúng quy trình các bước tổ chức sinh hoạt chi bộ.
- 100% các chi bộ thực hiện sinh hoạt chuyên đề mỗi quý/lần.
- Tỷ lệ đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức ở khối các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang tham gia sinh hoạt định kỳ hằng tháng đạt từ 95% trở lên; chi bộ thôn, tổ dân phố, doanh nghiệp đạt từ 90% trở lên (trừ đảng viên được miễn sinh hoạt Đảng).
- 100% đảng viên đang công tác được chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể.
- 100% bí thư, phó bí thư chi bộ, chi ủy viên chi bộ được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đảng, cập nhật kiến thức mới.
4. Về công tác tổ chức cán bộ:
- Phấn đấu tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ; phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi) từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ); phấn đấu tỷ lệ cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ khoảng 5%.
- 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng theo Quy định số 145-QĐ/TƯ ngày 10/5/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII).
- 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số.
* Về phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại
5. Thu ngân sách trên địa bàn:
Hoàn thành và phấn đấu vượt chỉ tiêu giao thu ngân sách nhà nước hằng năm. Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm 15%.
6. Thu nhập bình quân: 110 triệu đồng/người/năm.
7. Tốc độ tăng bình quân tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn xã: Bình quân 11-12%/năm.
8. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch: 100%.
9. Tỷ lệ các chất thải rắn sinh hoạt được thu gom: 100%.
10. Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đạt chuẩn quốc gia: 100%.
11. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa: 92%; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 93%.
12. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: Dưới 5,7%.
13. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: Hơn 96% dân số.
14. Duy trì không có hộ nghèo, hộ cận nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.