(HNM) - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đại học tư thục” tại TP Hồ Chí Minh để tham vấn ý kiến các chuyên gia khu vực phía Nam, nhằm xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học.
Theo Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP nêu giải pháp đổi mới công tác quy hoạch phát triển mạng lưới đại học, chuyển cơ sở giáo dục đại học bán công và một số cơ sở giáo dục công lập sang loại hình tư thục. Tuy nhiên, thực tế quy hoạch 10 năm qua đã diễn ra theo chiều ngược lại với sự bùng nổ của các cơ sở giáo dục công lập.
Trong giai đoạn 2000-2012, bình quân một năm có 20 trường đại học, cao đẳng được thành lập. Trong đó, cứ 1 trường đại học tư thục thành lập thì có 3 trường đại học công lập ra đời. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 65 trường đại học tư thục. Riêng khu vực phía Nam đứng đầu cả nước về số trường đại học tư thục với 27 trường.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, tình trạng sinh viên học đại học tư thục đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, dự thảo Luật Giáo dục đại học lại chưa có chính sách để phát triển bình đẳng giữa trường đại học công lập và tư thục.
Chưa hết, theo các đại biểu, dự thảo Luật Giáo dục đại học hiện không phân định rõ vai trò, vị trí của đại học tư thục có phải là doanh nghiệp không. Vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Thị Ly, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá giáo dục thuộc Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thời đại kinh tế tri thức, giáo dục đại học là dịch vụ. Nếu theo quan niệm đó thì việc xem xét trường đại học có phải là doanh nghiệp không sẽ tìm được câu trả lời.
Tuy nhiên, theo phân tích của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Mùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, dự thảo Luật Giáo dục đại học dành nhiều quyền vào tay các nhà góp vốn, cổ đông. Như vậy, môi trường ở đó là quan hệ giữa chủ và người làm thuê, là quan hệ kinh doanh - khách hàng chứ không phải quan hệ của giáo dục - đào tạo.
Theo nhiều đại biểu, nếu trường đại học tư thục có địa vị pháp lý như doanh nghiệp, được quản lý như công ty thương mại cổ phần, theo một mục đích bắt buộc là vì lợi nhuận thì các trường tư thục phải chấp nhận rủi ro trong kinh doanh, có thể phá sản hay giải thể. Các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phiếu, tức "ông chủ" trường, phương hướng hoạt động của trường luôn bị thay đổi và quyết định bởi... lợi nhuận. Điều này tạo ra những mâu thuẫn trong trường, dẫn tới những phức tạp khác, mà điển hình đã xảy ra ở một số trường tư thục tại TP Hồ Chí Minh như Trường Đại học Hoa Sen...
"Trường học là trường học, doanh nghiệp là doanh nghiệp. Ranh giới này không thể xóa bỏ. Trường phải là môi trường sư phạm, ở đó người thầy được tôn vinh, người học được tôn trọng, quan hệ ở đó là quan hệ thầy - trò, đồng nghiệp”, Tiến sĩ Trương Quang Mùi nói.
Giáo sư, Tiến sĩ Cao Văn Phường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Bình Dương cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục đại học cần xác định mô hình của trường đại học tư thục là phi lợi nhuận hay có lợi nhuận để có chính sách, pháp luật phù hợp. Cụ thể, với trường không vì lợi nhuận thì các cổ đông sẽ không được chuyển nhượng vốn; trong suốt quá trình hoạt động, không thể chuyển sang mô hình đại học vì lợi nhuận. Ngược lại, với các trường đại học có mục tiêu lợi nhuận, trong quá trình hoạt động có thể chuyển sang mô hình đại học phi lợi nhuận; đặc biệt, không được tuyên bố phá sản hay giải thể…
Đồng quan điểm, Giáo sư Phạm Phụ (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu xem các trường này vì lợi nhuận như các công ty thì phải có chính sách quản lý để các trường không trở thành siêu lợi nhuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.