(HNMO) - Sáng 19-3, GS.TS - Nhà giáo ưu tú Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Tham gia buổi làm việc có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; TS Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Cuộc làm việc được kết nối trực tuyến tới 8 điểm cầu tại các trụ sở và đơn vị trực thuộc với sự tham gia của hơn 350 cán bộ, giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Trước khi làm việc, Bí thư Thành ủy và đoàn đã tham quan cơ sở vật chất và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên nhà trường.
Đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện mô hình tự chủ
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là cơ sở giáo dục đào tạo đại học duy nhất trực thuộc UBND thành phố, tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Trường hiện có 3 cơ sở với tổng diện tích 9,498ha ở quận Cầu Giấy; huyện Sóc Sơn và quận Ba Đình; có đội ngũ 379 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó có 1 giáo sư, 8 phó giáo sư, 60 tiến sĩ; có 8.401 sinh viên đang theo học.
Báo cáo tại buổi làm việc, TS Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, sau 6 năm thành lập, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội bước đầu đã phát triển theo đúng định hướng là trường đại học đa ngành. Hiện nay, nhà trường đã được phép tổ chức đào tạo 23 ngành đào tạo trình độ đại học, 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Công tác tổ chức và quản lí các ngành đào tạo trình độ đại học được thực hiện theo đúng yêu cầu với mục tiêu đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, lấy nhu cầu của thị trường lao động làm trung tâm. Tỷ lệ sinh viên có việc làm trong năm đầu tiên tốt nghiệp ra trường thường xuyên là khoảng 75%, có nhiều ngành đạt 100%.
Trường cũng đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Đến năm 2020, cán bộ giảng viên nhà trường đã công bố được 379 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó có 73 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
Về kiến nghị, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nêu 5 nhóm vấn đề, trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện mô hình tự chủ và trách nhiệm giải trình về các mặt hoạt động. Thời gian tới, Trường quyết tâm đổi mới toàn diện để trở thành cơ sở giáo dục đại học tự chủ; có bước đi đột phá về chất lượng; gắn kết sự phát triển của Trường với sự phát triển của Thủ đô; phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những trường đại học đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng có uy tín và ảnh hưởng rộng lớn, đào tạo nguồn nhân sự và nghiên cứu khoa học chất lượng cao...
Cuộc làm việc đã tập trung thảo luận, làm rõ những hạn chế còn tồn tại, đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội xứng đáng với bề dày truyền thống, là trường đại học duy nhất của Thủ đô.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chỉ đạo phải thật sự quan tâm công tác xây dựng Đảng trong nhà trường; sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa Đảng ủy với Hội đồng trường, Ban Giám hiệu; quan tâm giáo dục tư tưởng chính trị cho giảng viên, sinh viên...
Đồng chí cũng đề nghị Đảng ủy trường nghiên cứu thật kỹ Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để cụ thể hóa thành chiến lược phát triển của nhà trường, nhất là những nội dung quan trọng như phát triển con người, lấy đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ là động lực phát triển nhanh và bền vững; khơi dậy ý chí khát vọng phát triển trong nhà trường.
Tập trung phát triển ngành học cốt lõi, có thế mạnh
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có bề dày truyền thống 62 năm lịch sử, là trường đại học duy nhất trực thuộc thành phố, mang cái tên rất vinh dự; có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thành phố; có thế mạnh về đào tạo sư phạm. Những năm qua, nhất là từ khi trở thành trường đại học đến nay, nhà trường đã nỗ lực đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, đối chiếu với sứ mệnh, tầm nhìn, sự phát triển của trường chưa đạt như mong muốn, ngay chính cán bộ, giảng viên cũng chưa bằng lòng với kết quả này. Ngoài việc mở thêm một số ngành mới, trường vẫn chưa thay đổi về chất so với khi còn là trường cao đẳng. Cơ sở vật chất còn nhiều bất cập. Cùng với những nguyên nhân chủ quan, thành phố cũng chưa quan tâm đúng mức.
Về tầm nhìn, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị nhà trường rà soát lại, hoàn thiện, bổ sung về chiến lược phát triển của trường trong giai đoạn mới; chưa cần cao xa; trước hết phải xây dựng trường thực sự là một trường đại học tiêu chuẩn, “trường ra trường, lớp ra lớp”, có khả năng đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng của thành phố và khu vực đồng bằng sông Hồng. Cảnh báo về xu hướng tỷ lệ nhập học so với số lượng trúng tuyển giảm xuống theo từng năm là vấn đề đáng báo động, Bí thư Thành ủy đề nghị trường nên điều chỉnh mục tiêu; tập trung vào một số ngành học cốt lõi mà trường có thế mạnh. Mở thêm ngành nào phải bảo đảm thực chất, căn cứ vào năng lực thực sự của nhà trường và cũng phải xoay quanh ngành cốt lõi; mở rộng dịch vụ nghiên cứu, đào tạo gắn với chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, trong đó chú trọng khai thác nhiệm vụ đào tạo lại, nâng chuẩn đội ngũ giáo viên của thành phố. Hiện nay, Hà Nội đang có 16.500 giáo viên mầm non, 12.000 giáo viên tiểu học, 4.000 giáo viên trung học cơ sở cần nâng chuẩn.
Hiện nay, đội ngũ giảng viên nhà trường mới có 18% là tiến sĩ trở lên; nên muốn trường phát triển, muốn mở ra ngành mới phải nâng cấp đội ngũ này. Ngoài giảng viên cơ hữu, trường phải xây dựng được một đội ngũ chuyên gia làm cộng tác viên, giảng viên thỉnh giảng chất lượng cao.
Về cơ sở vật chất, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo giao cho trường nghiên cứu, xây dựng đề án theo hướng xây dựng cơ sở tại quận Ba Đình thành cơ sở (có thể là khách sạn) để thực hành một số ngành học liên quan; xây dựng cơ sở tại huyện Sóc Sơn thành “đại bản doanh” có thể mở rộng ra trên cơ sở khu đất hiện nay; còn cơ sở ở quận Cầu Giấy có thể xây dựng thành trường tư thục liên cấp, vừa đào tạo thực nghiệm vừa giảm tải giáo dục phổ thông cho quận Cầu Giấy. Sau khi có định hướng rõ ràng theo đề án như vậy, thành phố phải đứng ra đầu tư, sau đó giao lại cho nhà trường.
Đối với vấn đề tự chủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, mức độ tự chủ chi thường xuyên của nhà trường cần phải bảo đảm thực chất và nên điều chỉnh lộ trình, không vội tự chủ khi trường còn chưa ổn định như hiện nay.
Đồng chí Vương Đình Huệ gợi ý, thời gian tới, nhà trường nên đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ gắn với một số mốc thời gian quan trọng để phấn đấu thực hiện như: Kỷ niệm 10 năm lên đại học và 65 năm Ngày thành lập trường. Đồng chí tin tưởng nhà trường sẽ nỗ lực phát triển xứng đáng với tên gọi, xứng tầm vị thế Thủ đô.
Thay mặt cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường tiếp thu ý kiến của Bí thư Thành ủy, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định sẽ đưa những chỉ đạo của đồng chí vào chương trình, kế hoạch công tác, trước hết là rà soát, bổ sung hoàn thiện tầm nhìn, chiến lược phát triển của nhà trường trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ cuộc làm việc, trước sự chứng kiến của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và đoàn công tác, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã trao tặng kinh phí tài trợ 5 tỷ đồng cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhằm phục vụ đầu tư giải quyết những nhu cầu cấp bách nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của nhà trường.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký biên bản hợp tác với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường xây dựng chiến lược phát triển và công tác chuyên môn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.