Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại học: Không phải con đường lập nghiệp duy nhất

Thanh Hương| 05/08/2010 07:16

(HNM) - Rất ít thí sinh dự thi đại học có đủ nhìn nhận để quyết định về công việc của mình trong tương lai. Nhiều em thi đỗ đại học, nhưng không có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp sẽ theo đuổi. Không ít em đi thi để làm hài lòng bố mẹ, thi vào những ngành

Học viên thực hành các thao tác kỹ thuật tại Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh


Không đỗ đại học, ở nhà dài dài trong khi các bạn cùng trang lứa thi đỗ đến nhập trường, nhập lớp, Nguyễn Đức Cường, ở Thanh Trì cảm thấy rất buồn. Nhưng mọi sự cũng nguôi ngoai, Cường quyết định đi học nghề lái xe, rồi xin làm cho một doanh nghiệp vận tải tư nhân. "Thế rồi thành ra yêu nghề, bám nghề" - Cường tâm sự.

Sau một thời gian đi làm thuê, Cường xin nghỉ để đi học sửa xe ô tô. Lại mất 2 năm theo đuổi nghề và tiếp tục đi làm thuê, nhưng với niềm đam mê, anh trở thành một thợ cứng. Và rồi ngã rẽ của cuộc đời đã đến khi Cường quyết định mở xưởng sửa xe ô tô. Quen biết nhiều người có nhu cầu mua bán xe cũ và giới thiệu họ gặp nhau nhưng mãi cũng chán. Sẵn "nghề lái xe" cũ, Cường quyết định mua lại những chiếc xe tải để chở hàng. Giờ đây, ngoài xưởng sửa xe với hơn 10 công nhân làm việc, Cường còn có 5 chiếc xe tải vận chuyển hàng hóa thường xuyên. Cường cho biết, khi thi trượt đại học, anh thực sự hoang mang không biết rồi mình sẽ làm gì. Nhưng rồi khi theo nghề, anh đã có thu nhập ổn định và có cơ hội phát triển.

Đã từng có những cuộc thi như "chọn nghề cùng bạn" và qua những buổi tư vấn hướng nghiệp, nhiều thí sinh tham gia nhưng không hề biết mình sẽ làm gì nếu thi đỗ và tốt nghiệp đại học. Thậm chí, nhiều thí sinh chỉ thi đại học nhằm giải phóng áp lực của cha mẹ, của xã hội, ra trường sẽ làm gì lại là chuyện khác. Cũng có không ít thí sinh bắt chước nhau chọn trường đại học mà không hề nghĩ đến liệu bản thân mình có độ tương thích nhất định đối với yêu cầu công việc hay không? Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, đây là kiểu chọn nghề mì ăn liền. Kết quả của xu hướng này là các học sinh đã hy sinh cả sở thích của mình mà vẫn không chọn đúng ngành nghề theo học. Thậm chí, nhiều học sinh không đánh giá được đúng học lực của mình, dễ nảy sinh tâm lý buồn chán khi không đạt kết quả như mong muốn. Cũng theo Tiễn sĩ Trịnh Hòa Bình, trước khi thi cũng như sau mỗi kỳ thi, học sinh cần được tư vấn, hướng nghiệp nhiều hơn để có một định hướng rõ ràng trong tương lai.

Về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện tại, mảng tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường chưa được chú ý đúng mức. Tại các tỉnh chưa có trung tâm tư vấn hướng nghiệp. Trước mắt, Đại học Quốc gia Hà Nội đang chuẩn bị đào tạo thạc sĩ ngành tâm lý học hướng nghiệp, liên kết với Pháp, chuẩn bị một chương trình đào tạo tổng hợp về sư phạm tâm lý, kinh tế, lao động, thị trường... Đây là những nhân lực để chuẩn bị cho việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sau này. Bộ GD-ĐT sẽ xúc tiến mạnh hơn các chương trình hướng nghiệp, đào tạo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp không chỉ cho học sinh mà cho tất cả những ai có nhu cầu học tập, tìm việc.

Từ thực tiễn cho thấy, đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp. Các cụ xưa vẫn dạy "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" chính là để dành cho những người yêu nghề và giỏi nghề. Chắc chắn, con đường lập nghiệp cho những niềm đam mê luôn rộng mở mà không nhất thiết phải vào đại học!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại học: Không phải con đường lập nghiệp duy nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.