(HNM) - Anh, Pháp, Tây Ban Nha hay Hà Lan đều không thành công ở các trận giao hữu diễn ra với mật độ chóng mặt trước vòng chung kết World Cup 2010. Đây là dịp thử nghiệm, rà soát lực lượng cuối cùng trước giờ G. Khi xem các trận đấu giao hữu sát thềm World Cup, giới chuyên môn lưu ý: các đội mạnh đá khác các đội khá, trung bình hoặc yếu. Nhưng khác thế nào?
HLV Capello và các tuyển thủ Anh còn nhiều việc phải làm để giành kết quả tốt tại World Cup 2010. |
Trận Paraguay gặp Bờ Biển Ngà, được truyền trực tiếp trên sóng của nhiều đài truyền hình tại Việt Nam là ví dụ. Các cầu thủ của 2 đội thi đấu quá rát, đến mức bình luận viên truyền hình phải lên tiếng "không cần thiết phải đá rát đến mức đó". Paraguay và Bờ Biển Ngà có vẻ xem trọng các trận giao hữu, vì một chiến thắng được xem là liều thuốc tinh thần tốt cho họ trước khi vòng chung kết World Cup bắt đầu. Ngược lại, các đội mạnh khác như Tây Ban Nha, Anh hay Pháp không cần những chiến thắng hoành tráng để lên giây cót cho chính mình.
Mục tiêu thử nghiệm và tránh chấn thương được thể hiện rõ qua các trận đấu của các "ông lớn" đích thực. Wayne Rooney không tham bóng ở các tình huống 50-50. Hàng thủ Anh bị xáo trộn vì HLV Fabio Capello muốn thử nghiệm Ledley King, Leighton Baines hay Jamie Carragher. Đội Pháp thường đá 4-2-3-1, nay chuyển sang 4-3-3 làm hài lòng các ngôi sao trên hàng công như Ribery, Gourcuff vì họ đều được đá ở vị trí sở trường. Tây Ban Nha cũng đề cao việc thử nghiệm sơ đồ mới, từ 4-4-2 chuyển sang 4-5-1 khi Fernando Torres vắng mặt.
Nói chung, qua các trận giao hữu, các đội tuyển mạnh hầu như không muốn chứng tỏ mình. Điều đó cho thấy những suy nghĩ, chiến lược, chiến thuật của các HLV những đội bóng lớn trên thế giới đều không tầm thường chút nào. Họ không hề muốn lộ bài khi World Cup đã gần kề. Bảo vệ cầu thủ khỏi chấn thương trước thềm giải lớn cũng là mục tiêu quan trọng.
Còn nhớ, đội Pháp đã nếm trái đắng 8 năm về trước khi Zinedine Zidane gặp chấn thương ở trận giao hữu gặp Hàn Quốc chỉ 5 ngày trước World Cup 2002. Hệ quả là Zidane không đá 2 trận đầu tiên ở vòng bảng, đến trận cuối cùng anh mới vào sân dù vẫn còn chấn thương. Là đương kim vô địch thế giới nhưng Pháp thất bại nặng nề ở kỳ World Cup ấy chỉ vì một chấn thương "lãng xẹt" của Zidane trong một trận giao hữu không quá quan trọng.
Về bài học ấy, đội Pháp cũng như các đội bóng lớn khác vẫn còn nhớ. Tuyển Đức hiện nay, sau khi mất Ballack, Rolfes, Traesch, Adler do chấn thương, đã cẩn thận chọn đá giao hữu với những đội bóng… địa phương tại Áo để tránh tai nạn bất ngờ. Trước World Cup 2006, Đức từng bị chỉ trích nặng nề vì thi đấu rất tồi trong các trận giao hữu nhưng khi vào giải chính thức, họ lập tức thể hiện một bộ mặt khác hẳn (chung cuộc giải này, Đức giành vị trí thứ 3). Tương tự là đội Pháp trước Euro 2000 (Les Bleus là đội vô địch Euro 2000).
Cho nên, giới chuyên môn mới khuyên chúng ta đừng quá đề cao các trận giao hữu. Chỉ khi nào vào giải chính thức các đội bóng hàng đầu mới lộ mặt thật. Khi ấy, chúng ta sẽ thấy họ khác hẳn những gì đã thể hiện ở các trận giao hữu trước giải. Muốn xét đoán hoặc phê bình, hãy chờ đến khi World Cup thực sự bắt đầu. Nói như HLV Del Bosque của đội đương kim vô địch châu Âu Tây Ban Nha: "Trước đây, Tây Ban Nha được xem là vua đá vòng loại hoặc giao hữu. Bây giờ, chúng tôi chỉ quan tâm làm thế nào trở thành vua của các giải chính thức!".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.