Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại dịch Covid-19: Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Quỳnh Dương| 15/05/2020 06:04

(HNM) - Bất ngờ ập đến như một cơn sóng thần, đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người trên thế giới mà còn phơi bày những lỗ hổng về khả năng ứng phó với các sự cố trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là lý do suốt hơn 2 tháng qua, ngoài việc tập trung ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các nước trên thế giới còn đưa ra nhiều kế hoạch nhằm tránh “cú sốc” thiếu hụt nguồn cung ứng có thể lặp lại trong tương lai.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến chiến lược sản xuất của nhiều doanh nghiệp trên thế giới.

Nhiều thập kỷ qua, cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá thành hàng hóa đã khiến nhiều tập đoàn tìm kiếm đối tác thứ ba ở các nước có chi phí lao động thấp hơn để sản xuất một số bộ phận của sản phẩm. Đây là hướng đi từng mang lại lợi ích lớn cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng trong thời gian dài, việc đa dạng hóa nguồn cung ứng lại không được chú ý một cách đầy đủ. Các số liệu thống kê cho thấy, hầu hết các nền kinh tế lớn đều có sự phụ thuộc vào thị trường cũng như nguồn cung từ Trung Quốc - đất nước vẫn được coi là “đại công xưởng” của thế giới.

Hãng Nikkei Asian Review trích một nghiên cứu cho thấy, nếu sản xuất tại Trung Quốc cứ giảm 10 tỷ USD, sản xuất tại phần còn lại của thế giới sẽ giảm 6,7 tỷ USD. Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nền kinh tế lớn ở châu Âu là những nước cảm nhận rất rõ tác động này. Ví dụ cụ thể nhất là trang thiết bị y tế và khẩu trang phục vụ cho phòng, chống dịch Covid-19.

Các số liệu của Mỹ cho thấy, có 70% khẩu trang ở Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc bên cạnh một số lượng đáng kể các loại dược phẩm. Khi dịch bệnh bùng phát, các quốc gia đóng cửa biên giới, Mỹ đã bị thiếu hụt khẩu trang y tế nghiêm trọng. Ở những lĩnh vực khác như điện tử, xe hơi..., tình cảnh tương tự cũng xảy ra.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thế giới đang phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc ở mức độ rất lớn. Điều này có nghĩa là bất kỳ sự gián đoạn lớn nào tại đây cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp rủi ro.

Theo Mark Mobius, người sáng lập quỹ tài chính Mobius Capital Partners cho biết, đại dịch đã khiến nhiều nhà lãnh đạo cùng doanh nghiệp “suy nghĩ lại” và tìm cách “vá” lỗ hổng nguồn cung ứng để có thể đối phó với bất kỳ sự kiện bất thường nào xảy ra trong tương lai. Trên thực tế, nhiều động thái đã được đưa ra trong những ngày gần đây. Chẳng hạn, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tính đến việc mở rộng hoạt động sản xuất ngoài Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Washington đang xúc tiến hình thành một liên minh “những đối tác đáng tin cậy” gọi là “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”. Liên minh này sẽ bao gồm các công ty và những tổ chức hoạt động theo cùng một hệ thống tiêu chuẩn trên mọi lĩnh vực từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng, hạ tầng cho đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, khối này sẽ thành lập một cơ chế đầu tư mới nhằm giữ được sự tự chủ chiến lược, tránh phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng đến từ đối tác thứ ba sau bài học từ đại dịch Covid-19. Nội các Nhật Bản cũng đã quyết định dành tới 248,6 tỷ yên (2,33 tỷ USD) để trợ cấp chi phí di dời cho các doanh nghiệp đưa nhà máy từ Trung Quốc về nước.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng không thể giải quyết trong một sớm một chiều vì liên quan tới sự di chuyển một số lượng khổng lồ các nguyên vật liệu, linh kiện giữa các nhà máy trên toàn thế giới. Thế nhưng, về dài hạn, sự dịch chuyển này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung, bảo đảm sự vận hành ổn định hơn cho nền kinh tế cũng như khả năng chống chịu trước những rủi ro.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại dịch Covid-19: Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.