(HNMO) - Ngày 6-6, mở đầu 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đối với lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội, trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời thẳng thắn, cầu thị, đi vào các giải pháp cụ thể đối với các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang):
Nhiều vấn đề đặt ra cho lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội
Đối với nhóm vấn đề chất vấn về lao động, thương binh và xã hội, tôi quan tâm về nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và các đối tượng yếu thế trong xã hội sau đại dịch của ngành lao động có tác động như thế nào đối với đời sống nhân dân. Chúng ta cũng cần có đánh giá toàn diện tại diễn đàn Quốc hội, từ đó, xem xét về tác động và hiệu quả thực hiện của chính sách đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, dẫn đến người lao động bị giãn việc, mất việc... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu, đồng thời, nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực. Từ đó, Bộ trưởng đã đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi trước mắt và lâu dài, cam kết khắc phục những tồn tại và hạn chế trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp):
Sự cầu thị của Bộ trưởng là điều đáng ghi nhận
Qua đánh giá của cá nhân tôi, trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đi vào những giải pháp trước mắt và dài hạn, liên quan đến thị trường lao động, đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực, bảo hiểm xã hội...
Tinh thần cầu thị là một phần, nhưng có những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, câu trả lời phải cần thời gian, đặc biệt là những giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách cần có đánh giá tác động. Tuy nhiên, sự cầu thị của Bộ trưởng là điều đáng ghi nhận.
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tôi cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, là hành lang pháp lý đủ để giáo dục nghề nghiệp phát triển đúng hướng. Đồng thời, cần rà soát và quy hoạch lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để có hệ thống giáo dục nghề nghiệp đủ lớn, bảo đảm cơ cấu đào tạo nghề hợp lý đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương):
Giải pháp trước mắt chưa được nêu bật
Tôi cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã "chạm" đến nhiều vấn đề nóng mà cử tri và các đại biểu quan tâm như rút bảo hiểm xã hội một lần; vướng mắc khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, nhưng không được giải quyết các chế độ; vấn đề nâng cao đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực... Tuy nhiên, Bộ trưởng mới chỉ đánh giá được nguyên nhân và đưa ra các giải pháp lâu dài; còn giải pháp trước mắt, cần xử lý, giải quyết ngay thì chưa nêu bật được.
Việc đưa ra các giải pháp trước mắt rất khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng phải có các giải pháp ngay lập tức để tháo gỡ khó khăn. Còn các giải pháp lâu dài như sửa đổi các quy định của pháp luật - không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết được. Tôi mong muốn, trong những phần trả lời tiếp theo, Bộ trưởng đưa ra các giải pháp trước mắt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.