Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội đề xuất chỉ áp dụng hình thức cho thuê nhà ở xã hội

Mai Hữu| 19/06/2023 09:19

(HNMO) - Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19-6, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không quy định hình thức mua, thuê mua để tránh tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng).

Qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhận thấy, chính sách về nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được thể hiện chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn. “Chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở”, đại biểu nói.

Với định hướng đó, đại biểu cho rằng, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: Chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.

Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó, Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội. Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không quy định hình thức mua, cho thuê mua. Theo đại biểu, nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. “Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận nhà ở xã hội”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên).

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội. Đại biểu đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm “bất thành văn” là nhà ở xã hội là nhà ở giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không bảo đảm các điều kiện sử dụng cho người dân như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận.

“Nên chăng đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Trong đó, Nhà nước sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội”, đại biểu đoàn Thái Nguyên nói.

Băn khoăn quy định về đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, dự thảo luật quy định cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân thì mới được hưởng chính sách nhà ở xã hội. “Mức chịu thuế thu nhập cá nhân hiện khá thấp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này cho phù hợp với thực tiễn đời sống cán bộ, công chức, viên chức hiện nay”, đại biểu nói.

Đặt ra vấn đề bốc thăm mua, thuê mua nhà ở xã hội gây bức xúc thời gian qua, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, ngoài quy định các đối tượng được hưởng chính sách mua, thuê mua nhà ở xã hội, cần có quy định về thứ tự ưu tiên, các tiêu chí cụ thể hơn để các đối tượng dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội, đồng thời, cần quy định chặt chẽ để tránh phát sinh trục lợi chính sách về nhà ở xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội đề xuất chỉ áp dụng hình thức cho thuê nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.