(HNMO) - Chiều 3-12, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Nhiều giải pháp đã được các đại biểu đề xuất nhằm phát triển Thủ đô theo hướng bền vững.
Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực
Thảo luận tại tổ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm góp phần giúp kinh tế Thủ đô khắc phục những bất cập còn tồn tại nhằm phát triển theo hướng bền vững.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ (đại biểu Tổ Ứng Hòa), năm 2019, ngành Nông nghiệp Hà Nội bị thiệt hại nặng do bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nên tăng trưởng của toàn ngành đến thời điểm hiện tại là tăng trưởng âm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh… của thành phố vẫn phát triển tốt. Đại biểu Chu Phú Mỹ đề nghị thành phố trong năm 2020 hỗ trợ có mục tiêu nhằm xây dựng các trường học theo chuẩn nông thôn mới; đồng thời có chính sách đầu tư hợp lý nhằm thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp… nhằm gia tăng giá trị và hỗ trợ ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.
Bày tỏ sự quan tâm đến việc giữ gìn Thủ đô xanh, sạch, đẹp, đại biểu Hoàng Huy Được (Tổ Ba Vì) cho biết, cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh - sạch - đẹp” đã tạo nên một hiệu ứng tốt, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đại biểu mong muốn, thành phố sẽ tổ chức tổng kết cuộc thi để lan tỏa những kết quả tốt đẹp đã đạt được, qua đó giữ gìn làng quê, ngõ xóm ngày càng văn minh, sạch đẹp... Đại biểu cũng đề xuất cùng với việc di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, thành phố nên quan tâm hơn nữa đến công tác bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhân dân Thủ đô; thu phí xây dựng để nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc duy trì môi trường xanh - sạch của Thủ đô.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Đinh Trường Thọ (Tổ Thanh Oai) nêu tính cấp thiết của việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô để chất lượng cuộc sống của người dân trong đô thị được tốt hơn. Theo đại biểu, tiến trình di dời hiện nay rất chậm. Ngoài ra, nhiều đại biểu HĐND thành phố kiến nghị thành phố tập trung nguồn lực và các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó, đại biểu Đỗ Thùy Dương (Tổ Cầu Giấy) kiến nghị, cần nâng cao mức xử phạt với các hành vi gây ô nhiễm môi trường bởi các chế tài xử lý hiện nay còn quá nhẹ, đặc biệt với các hành vi xả thải ra môi trường và lưu thông các phương tiện không bảo đảm chất lượng.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Tổ Thường Tín) đề nghị thành phố quan tâm xây dựng Vành đai 4 và cho rằng, đây là vành đai dễ triển khai vì mặt bằng đã đợi sẵn. Đại biểu nhấn mạnh, khi hoàn thiện việc xây dựng Vành đai 4 sẽ định hình một Thủ đô văn minh, đồng thời hình thành đô thị vệ tinh lõi của Hà Nội…
Nêu thực tế về những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện Phúc Thọ, đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tổ Phúc Thọ) cho biết, huyện có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang nỗ lực phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới của Thủ đô. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, nước sạch đang là vấn đề khó khăn của huyện Phúc Thọ, bởi đến nay mới có 15.000/47.000 hộ dân, tương đương 32% số dân của huyện được sử dụng nước sạch. Huyện cũng mới có 11 xã, thị trấn có mạng internet, còn lại 11 xã vẫn chưa được kết nối mạng. Đại biểu đề xuất thành phố quan tâm, hỗ trợ việc kết nối thông tin, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để huyện Phúc Thọ phát triển…
Kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai
Cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là vấn đề được nhiều đại biểu thuộc các tổ: Tây Hồ, Hoàng Mai, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức quan tâm.
Đại biểu Trần Thị Vân Hoa (Tổ Tây Hồ) cho rằng, tiến độ CPH doanh nghiệp nhà nước thời gian qua quá chậm. Năm 2019, chỉ 1/13 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án CPH, 1/31 doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn. Do đó, trong năm 2020, UBND thành phố cần quyết liệt giải quyết vấn đề này.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân và đơn vị trong việc triển khai những dự án chậm tiến độ, làm thất thoát tài sản và tiền của nhà nước khi mà 10 tháng năm 2019, tốc độ giải ngân vốn đầu tư cơ bản chỉ đạt 39,8%.
"Năm 2020, cơ quan chức năng cần kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai, đặc biệt là những dự án đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách, để đất hoang hóa", đại biểu Hoa kiến nghị.
Cùng đề cập vấn đề CPH, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Tổ Gia Lâm) cho biết, đến năm 2020 phải cơ bản hoàn thành CPH và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhưng trong 3 năm qua, việc này đang được thực hiện theo hướng "năm sau giảm hơn năm trước".
“Nếu không giải quyết tích cực thì đến năm 2020 không thể hoàn thành việc CPH”, đại biểu nêu và kiến nghị thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy công tác này.
Phiên thảo luận tại các tổ đại biểu chiều 3-12 cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp về xử lý vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; chính sách đền bù tái định cư; thu gom rác thải; giữ gìn vệ sinh môi trường tại các công trình xây dựng; tình trạng vi phạm hành lang đê điều; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng…
Giải trình, làm rõ thêm 23 vấn đề các đại biểu nêu
Tại phiên thảo luận của đại biểu các tổ: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thường Tín, Ba Vì, Ứng Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã phát biểu, giải trình làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Thông báo về kết quả phát triển kinh tế của Thủ đô năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, theo kết quả tính toán của Cục Thống kê thành phố, kinh tế Thủ đô cả năm nay dự kiến tăng trưởng 7,62%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Chủ tịch UBND thành phố cũng giải trình, làm rõ thêm 23 vấn đề mà các đại biểu đã nêu tại phiên thảo luận tổ về: Bảo trì, sửa chữa các khu nhà tái định cư, di dời các cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí để tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhân dân...
Theo chương trình, trong sáng 4-12, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường và biểu quyết thông qua Nghị quyết kinh tế - xã hội năm 2019, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của thành phố cùng một số nghị quyết khác về phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2020; phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.