(HNM) - Ngày 6-12-2013, trong khuôn khổ kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV, sau khi nghe UBND thành phố đọc Tờ trình, 100% số đại biểu có mặt tại phiên họp (89/95 đại biểu) đã bấm nút biểu quyết, nhất trí thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường mới. Trước đó, sáng 5-12-2013, HĐND huyện Từ Liêm cũng đã họp phiên bất thường nhằm thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính. 32/33 đại biểu có mặt tại cuộc họp cũng đã đồng ý với đề án này.
Như vậy có thể thấy, việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm đã gần như đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu dân cử cấp huyện và thành phố.
Nói chính xác, chỉ có 1 đại biểu trong 122 đại biểu tham dự hai cuộc họp này không tán thành chủ trương trên với lý do không đồng ý việc tách huyện Từ Liêm thành 2 quận mới.
Chính kiến của mỗi cá nhân trước từng vấn đề có sự khác nhau là chuyện hết sức bình thường. Mỗi người có quyền bảo lưu ý kiến của mình để tiếp tục kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tuy nhiên phải tuân thủ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, những vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể thì thiểu số phục tùng đa số. Vậy nhưng mấy ngày qua, việc ông Nguyễn Hữu Kiên - đại biểu HĐND huyện Từ Liêm - người tự xác nhận chính là đại biểu duy nhất không đồng ý với Đề án điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm, đã được một số tờ báo (nhất là báo mạng) "lăng-xê" như một hiện tượng trong xã hội. Một số người khác lập tức "đồng thanh tương ứng", tán dương rằng, đây mới là con người trăn trở, có suy nghĩ mong muốn tốt đẹp cho dân, cho nước; rồi đây mới là tiếng nói của cơ sở, dám nhìn thẳng sự thật, song hành với nguyện vọng của người dân... Nếu quả thật là như vậy, không lẽ trừ ông Nguyễn Hữu Kiên, hơn một trăm đại biểu HĐND của thành phố và huyện Từ Liêm, người dân đã sai lầm khi đặt niềm tin vào lá phiếu bầu người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình?
Rõ ràng đây không còn là chuyện bình thường nên cần nhìn nhận, xem xét một cách thấu đáo.
Hà Nội hiện có 29 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã. Vào thời điểm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII (1-8-2008), dân số của Hà Nội khoảng trên 7 triệu người. Với mức tăng dân số khoảng trên 10 vạn người mỗi năm thì vào thời điểm hiện tại tính trung bình mỗi quận, huyện của Thủ đô có khoảng 250.000 dân cư. Trong khi đó, dân số của huyện Từ Liêm là trên 550.000 người, ấy là chưa kể trong 1-2 năm tới, nhiều khu đô thị mới trên địa bàn được đưa vào sử dụng thì dân số trên địa bàn toàn huyện ước tính sẽ lên tới trên 600.000 người, mật độ dân cư sẽ cao hơn mức 10.000 người/km2. Cơ cấu thương mại, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn chiếm 98,37%, nông nghiệp còn dưới 1%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cũng đã chiếm 90,8%. Trong năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,5 triệu đồng.
Thời gian qua, hệ thống công trình hạ tầng đô thị của huyện cũng đã được tập trung đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh. Hiện trên địa bàn Từ Liêm đã có các công trình quan trọng của quốc gia như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Khu liên hợp thể thao quốc gia; trụ sở các cơ quan trung ương như Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên - Môi trường… và nhiều công trình hiện đại như tòa nhà Keangnam, hàng loạt khu đô thị lớn như Khu đô thị Nam Thăng Long, Khu đô thị Ngoại giao đoàn, Khu đô thị Tây Hồ Tây...
Những yếu tố nêu trên khiến cho "chiếc áo" quản lý hành chính cấp huyện trở nên chật chội, thậm chí là kìm hãm sự phát triển của một khu vực đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Lấy ví dụ, Từ Liêm hiện có những xã như Cổ Nhuế, dân số tới trên 77.000 người mà chỉ có hơn 20 cán bộ quản lý; hoặc theo thống kê, năm 2012 huyện phải giải quyết gần 51.000 thủ tục hành chính của các tổ chức, công dân - con số này gấp nhiều lần các quận, huyện khác của thành phố Hà Nội, thậm chí nhiều hơn cả số thủ tục hành chính phải giải quyết của một số tỉnh miền Bắc…
Để bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, ngay từ năm 2007, huyện Từ Liêm và thành phố Hà Nội đã xây dựng đề án, đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan cũng như việc chưa hội tụ đủ những yếu tố cần thiết nên từ đó tới nay đề án tiếp tục được cập nhật, chỉnh lý, bổ sung ít nhất là 3 lần để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới của Thủ đô và định hướng phát triển trong tương lai của Hà Nội. Đặc biệt, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, huyện Từ Liêm nằm trong khu vực quy hoạch đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội. Huyện đã có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng được phê duyệt. Trong quy hoạch, đã bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở các cơ quan trong hệ thống chính trị, các thiết chế văn hóa - xã hội, các công trình dân sinh phục vụ cho việc hình thành 2 quận và các phường mới. Và trên cơ sở đề nghị của thành phố Hà Nội, ngày 28-11-2013, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 428/TB-VPCP Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương, giao thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục, lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm và các xã, thị trấn để thành lập 2 quận và 23 phường. Cần lưu ý rằng, đây là phương án được xác định sau khi UBND thành phố và huyện Từ Liêm phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành khảo sát, tính toán và cân nhắc.
Như vậy có thể thấy, việc điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm là tất yếu khách quan, xuất phát từ nguyện vọng của người dân, của Đảng bộ, chính quyền huyện Từ Liêm; được thống nhất về chủ trương và đã có quá trình chuẩn bị từ nhiều năm. Thế nhưng, trong phát biểu trước HĐND huyện Từ Liêm, ông Nguyễn Hữu Kiên lại cho rằng, đề án tách địa giới thành 2 quận chỉ mang tầm nhìn… Từ Liêm. Nhận thức như thế thì thật lạ!
Cũng phải nói thêm rằng trước khi HĐND huyện Từ Liêm họp phiên bất thường, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính đã được đưa ra lấy ý kiến người dân trên địa bàn. 87.655 hộ dân (chiếm 99,87%) đã được chuyển giấy mời dự lấy ý kiến, chỉ có 111 hộ dân không nhận được giấy mời do không có mặt tại địa bàn (0,13%). Kết quả đã có 72.406 hộ dân dự họp và tham gia đóng góp ý kiến (chiếm 82,5%). Qua đó có 72.330 hộ dân nhất trí đề án điều chỉnh địa giới thành 2 quận (chiếm 99,9%) và có 65.473 số hộ nhất trí tên 2 quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm (chiếm 90,5%)…
Đáng chú ý, theo thống kê chỉ có 0,1% số hộ dân có quan điểm như ông Nguyễn Hữu Kiên trong việc đề nghị thành lập 1 quận mới. Vậy một số người comment tán dương vào bài viết về ông Nguyễn Hữu Kiên trên báo mạng là vì lẽ gì, họ có thật sự song hành với dân, tâm huyết với dân?
Tại kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV, trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm đã có 24 ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố thảo luận tại 6 tổ. Không phải không có những ý kiến băn khoăn về tên gọi của 2 quận mới được tách ra từ huyện Từ Liêm hoặc những vấn đề cần làm rõ để hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, những công việc cần chú trọng trong tổ chức thực hiện… Song gốc rễ của mọi chuyện phải căn cứ theo thực tế khách quan và xuất phát từ tinh thần xây dựng, đặt lên trên hết phải là lợi ích của cộng đồng, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của người dân.
Cũng cần nói thêm một số vấn đề đặt ra trong phát biểu trước HĐND huyện Từ Liêm của ông Nguyễn Hữu Kiên, cũng đã được lãnh đạo thành phố chỉ đạo triển khai hoặc theo quy trình sẽ được thực hiện trong các bước tiếp theo. Lấy ví dụ như vào thời điểm này, để chuẩn bị cho việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác quản lý cán bộ, quản lý tài sản, tài chính, quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn; không để xảy ra việc cấp đất trái thẩm quyền, mua bán, chuyển nhượng đất đai trái quy định, xây dựng trái phép; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lãng phí… Sẽ không có chuyện "tranh thủ" để tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ cũng như "tận dụng cơ hội" để quyết định đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm trang thiết bị không đúng quy định của Nhà nước…
Nêu ra những vấn đề trên để nói rằng, hơn ai hết những người đại diện cho nhân dân cần hiểu rõ ý chí, nguyện vọng của nhân dân để có lời nói, hành động phù hợp và hiệu quả. Có như vậy, cử tri mới trọn vẹn niềm tin vào cơ quan dân cử và các đại biểu dân cử bởi họ phản ánh trung thực tiếng nói của người dân và lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở để đưa ra các quyết sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.