(HNM) - Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến về thời điểm áp dụng đặc xá nhằm thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước một cách phù hợp và bảo đảm tính minh bạch.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi):
Nên quy định khoảng cách thời gian giữa các lần đặc xá
Đặc xá là hoạt động thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước với người phạm tội đã bị kết án. Qua thực tế hiện nay cho thấy, thời điểm các lần đặc xá thường vào dịp ngày lễ lớn, với số lượng người được đặc xá nhiều. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự thì người đang chấp hành án phạt tù có thể được tòa án tha tù trước thời hạn khi có đủ điều kiện.
Do vậy, tôi cho rằng, không nên quy định những lần đặc xá vào các ngày lễ lớn mà chỉ nên tập trung vào sự kiện trọng đại của đất nước. Đồng thời nên quy định có khoảng cách thời gian giữa các lần đặc xá, có thể tối thiểu là 3 năm giữa 2 lần đặc xá.
Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Đoàn Nam Định):
Đáp ứng được nhu cầu thực tiễn
Về quy định 3 thời điểm đặc xá, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Đặc xá cho thấy, không có bất cứ vướng mắc và được thực hiện rất tốt trong thực tiễn. Nếu quy định cụ thể tần suất đặc xá sẽ dẫn đến sự cứng nhắc hạn chế quyền của Chủ tịch nước. Về đối tượng đề nghị được đặc xá, luật đã quy định cụ thể nhằm bảo đảm tính minh bạch.
Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, do đó các quy định của Luật Đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản đối với các chính sách khoan hồng hiện hành. Tính chất đặc biệt này được thể hiện trong nhiều nội dung như thẩm quyền hay thời điểm, trình tự thủ tục, đối tượng đặc xá… Kế thừa các quy định của Luật Đặc xá, tôi cho rằng Luật Đặc xá (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sẽ phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.