Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đặc sản” ngày mùa

Hà Chi| 28/05/2023 08:38

(HNMO) - Vùng ngoại thành thành phố Hà Nội đang bước vào mùa lúa chín. Tuy mới chỉ bắt đầu, nhưng đã xuất hiện nhiều “đặc sản” của ngày mùa. Đó là việc chiếm dụng đường giao thông làm sân phơi thóc, bất kể đó là quốc lộ, tỉnh lộ hay đường liên xã, liên thôn... Đặc biệt, nạn đốt rơm sau gặt vẫn rất phổ biến, khiến cả một vùng không gian rộng lớn bị hun bởi màn khói đặc, gây bất lợi lớn với người người đi đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông và môi trường sống.

Hình ảnh những sân hợp tác xã, sân đình làng thơm mùi rơm mới, vàng ươm màu thóc đến nay không còn nhiều.

"Sân vàng" đậm nét đẹp làng quê ngày mùa ở đình làng Bặt Ngõ, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa.

Thay vào đó là những "sân phơi" di động xuất hiện trên rất nhiều tuyến đường ở vùng nông thôn trong mùa gặt.

Đường nối đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ (đường Cienco 5) với Quốc lộ 21B (đoạn qua địa phận xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) dù rất đông phương tiện, nhưng vẫn bị người dân chiếm dụng làm nơi phơi thóc.

Ngay cả với khu vực gần ngã ba, cần có không gian rộng, lòng đường vẫn bị tận dụng triệt để.

Không chỉ đường lớn, những tuyến đường nhỏ hẹp cũng thành sân phơi.

Tuyến đường liên xã, nối đường 429 vào khu vực xã Cao Thành (huyện Ứng Hòa) bị người dân chiếm hẳn một làn đường.

Thậm chí, tại những vị trí "cua", lòng đường vẫn bị chiếm dụng.

Đoạn "cua" qua khu vực thôn Cầu Lão, xã Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa).

Đặc biệt, thứ "đặc sản" chỉ có ở mùa gặt đã góp thêm phần nung nóng bầu không khí hầm hập ở các vùng quê. Đó là khói. Khói xuất hiện từ sáng đến đêm khuya...

Mới đầu giờ sáng, nhưng cánh đồng khu vực chợ thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) đã ngập khói.

Chiều muộn, khói vẫn giăng mờ cánh đồng ở huyện Thanh Oai, ảnh hưởng trực tiếp đến người đi trên đường Cienco 5.

Việc phơi thóc trên các trục đường như những chiếc "bẫy", khiến nguy cơ mất an toàn luôn rình rập người tham gia giao thông.

Thóc phơi ở nhiều điểm quay đầu xe trên đường Cienco 5 chính là "chướng ngại vật" với người điều khiển phương tiện.

Chiều đến, thóc phơi ở đường Cienco 5 (đoạn qua huyện Thanh Oai) được người dân che lại. Việc dùng gạch, đá chèn lên tấm ni lông chính là những chiếc bẫy nguy hiểm với người đi đường.

Những "đặc sản" nêu trên cứ đến hẹn lại diễn ra và dường như không có cách nào khắc phục. Nông thôn mới đã giúp cuộc sống người dân vùng ngoại thành thay đổi theo chiều hướng tích cực. Không lẽ, chúng ta cứ chấp nhận "sống chung" mãi sao?  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đặc sản” ngày mùa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.