(HNM) - Nghị quyết số 43-NQ/TƯ ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin là 2 trong 5 mũi nhọn phát triển kinh tế chính của thành phố. Hiện các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đang tập trung ưu tiên thu hút đầu tư để phát triển lĩnh vực này.
Tập trung đầu tư cho khu công nghệ cao
Khu công nghệ cao Đà Nẵng nằm tại huyện Hòa Vang, diện tích hơn 1.128ha, là một trong 3 khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia. Khu công nghệ này có 6 lĩnh vực ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông, phần mềm tin học; công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới; tự động hóa và cơ khí chính xác; công nghệ môi trường, công nghệ phục vụ hóa dầu; công nghệ vi điện tử, cơ điện tử, quang điện tử và công nghệ sinh học. Lũy kế đến nay, khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố đã thu hút tổng cộng 507 dự án, trong đó 378 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 28.000 tỷ đồng và 129 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD.
Một trong những doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghệ cao từ tháng 5-2019, Công ty ICT Vina có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD (vốn FDI từ Hàn Quốc) chuyên sản xuất thiết bị nha khoa kỹ thuật số và răng cấy nhân tạo, chủ yếu để xuất khẩu. Tổng Giám đốc ICT Vina Lee Hyung Seok cho biết: “Thời gian giải quyết thủ tục đầu tư của chính quyền thành phố rất nhanh, chúng tôi dự kiến mất 12 tháng, nhưng chỉ sau 8 tháng đã hoàn thành. Chúng tôi có thể xuất khẩu hàng hóa thẳng từ Đà Nẵng ra các thị trường trên thế giới”.
Trong khi đó, Khu công nghệ Thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) đã đưa vào sử dụng giai đoạn 1 từ tháng 3-2019, với diện tích 131ha, tổng vốn đầu tư 47 triệu USD. Giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghệ Thông tin tập trung Đà Nẵng Trần Quang Hà thông tin: “Chúng tôi đã ký kết biên bản thỏa thuận chiến lược với Tập đoàn Infracrown Capital (Singapore), hiện đang hợp tác đầu tư và phát triển Trung tâm Dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế (Tier 3 Plus), với tổng vốn 100 triệu USD. Thời gian tới, Danang IT Park ưu tiên tập trung thu hút các doanh nghiệp đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các đối tác trong nước”.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Infracrowd Capital John Lee bày tỏ: “Các khu công nghệ cao này sẽ giúp Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu trở thành Thành phố thông minh trong việc thúc đẩy và tăng tốc các dịch vụ chính phủ điện tử và kinh tế số, bao gồm cả việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm 2020 và được dự báo sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm trên 14,64% cho đến năm 2026. Hiện tại, nền kinh tế số của Việt Nam ước tính đạt 14 tỷ USD và chúng tôi tin rằng sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”.
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Bình (Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), đại dịch Covid-19 đã đưa nền kinh tế Đà Nẵng thụt lùi khoảng 4 năm, quy mô nền kinh tế năm 2021 (hơn 64.000 tỷ đồng) chỉ gần bằng năm 2018. Khu vực dịch vụ vốn được coi là động lực chính của nền kinh tế Đà Nẵng nhưng đã bị giảm sâu trong các năm 2020, 2021. Vì vậy, cần thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng. Trong đó, cần tập trung thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị sáng tạo gắn với khu công nghệ cao; tiếp tục mở cửa hội nhập nền kinh tế, thực thi Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); hướng tới thị trường rộng lớn của cả nước và khu vực châu Á.
Trong khi đó, Tiến sĩ Dương Đình Giám (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương) nhận định, thời gian tới, giá trị tăng thêm (VA) của ngành công nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng dự kiến sẽ tăng mạnh khi các dự án lớn hoạt động hiệu quả: Dự án Nhà máy Linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine giai đoạn 1; Nhà máy Thiết bị y tế ITC VINA II; Nhà máy số ESTEC; Nhà máy Sản xuất thiết bị tự động hóa của Yamato...
Trong tháng 6-2022, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Diễn đàn đầu tư năm 2022. Đây là sự kiện nhằm xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng môi trường đầu tư của thành phố đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố sẽ đẩy nhanh việc định hình cơ cấu các ngành kinh tế, chú trọng phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Trong bối cảnh khu vực dịch vụ còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì khu vực công nghiệp có thể phục hồi nhanh hơn và tăng trưởng nhanh ở mức cao.
“Thành phố phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng trên 11%. Ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.