(HNMO) - Ngày 16-10, các tầng lớp nhân dân và các cấp chính quyền, đoàn thể thành phố Đà Nẵng cùng bắt tay dọn dẹp, khắc phục hậu quả nặng nề do trận mưa lụt lịch sử mấy ngày qua để lại. Tất cả nỗ lực để các hoạt động của thành phố trở lại bình thường từ ngày 17-10.
Bận rộn nhất là nhóm các bạn trẻ tình nguyện sửa xe máy, thiết bị điện ngập nước cho người dân. Các tấm băng-rôn “sửa chữa miễn phí” được giăng khắp nơi trong thành phố. Thực hiện công việc này chủ yếu là các bạn sinh viên chuyên ngành cơ khí, điện cùng nhiều tiệm sửa xe tại Đà Nẵng và ở Quảng Nam triển khai một cách tự nguyện.
Điển hình như thầy trò Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng do thầy Ngô Văn Dũng, Trưởng khoa, cùng các thầy Trần Ngọc Anh và Tôn Nguyễn Thành Sang phụ trách cùng các bạn sinh viên chia thành nhiều tổ nhóm (có số điện thoại) để tư vấn cho người dân.
Những người cần sửa chữa trực tiếp, được nhóm khuyến nghị mang đến Khu D, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, số 99 Tô Hiến Thành, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà và được miễn phí tư vấn và công sửa.
Cơ sở Tuấn Thông Điện lạnh cũng nhận sửa chữa miễn phí đồ điện cho người dân, thông qua việc nhận thông tin bằng điện thoại và lên lịch hẹn đến nhà sửa chữa trực tiếp. Anh Hoàng Bình, thợ sửa đồ điện gia đình khu vực Hòa Khánh cũng công khai số điện thoại và địa chỉ cửa hàng để người dân trong khu vực mang đến trực tiếp, hoặc đặt lịch để sửa miễn phí tiền công.
Đặc biệt, nhóm thợ sửa chữa ô tô xe máy Nông Sơn đến từ Quảng Nam đã trang bị hẳn một xe lưu động và công khai số điện thoại để người dân Đà Nẵng có nhu cầu “khám bệnh” xe ô tô bị ngập lụt hay thay dầu xe máy bị ngập nước liên hệ, để các bạn miễn phí tư vấn và công thay dầu…
“Nhóm chúng em còn triển khai 2 điểm nhận xe trực tiếp tại số 65 Đà Sơn và Ký túc xá Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng để nhận xe của người dân”, một thành viên nhóm Nông Sơn chia sẻ.
Đoàn viên, thanh niên cơ sở của thành phố Đà Nẵng cũng tích cực ra quân. Đơn cử, ngay từ chiều 15-10, Đoàn phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đã phối hợp Câu lạc bộ Máu sống tự tâm và Hội Nông dân phường Thọ Quang hỗ trợ cấp phát 1 tấn rau cho các hộ dân gặp khó khăn sau cơn bão số 5. Đoàn phường An Hải Bắc triển khai hàng chục đoàn viên, thanh niên tham gia tổng vệ sinh nhiều tuyến đường trên địa bàn.
Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ phường Mân Thái đã nhanh chóng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 60 suất quà tặng người dân vùng ngập, mỗi suất gồm 10kg gạo và 150.000 đồng.
Các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích cùng các tổ chức xã hội toàn thành phố Đà Nẵng cũng đã triển khai lực lượng từ sáng sớm 16-10 để dọn dẹp thành phố.
Chị Vũ Mai Chi, hội viên phụ nữ quận Liên Chiểu cho biết: “Đến chiều 16-10, trên địa bàn còn có Trường Tiểu học Hồng Quang ở số 360 đường Hoàng Văn Thái bị bùn đất lấp đầy sân trường. Chúng tôi đang tham gia cùng nhiều lực lượng khác để khẩn trương dọn dẹp ngôi trường này, phấn đấu để các con đi học bình thường từ ngày 17-10".
Chiều 16-10, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng ban hành thông báo, yêu cầu người đứng đầu các cơ sở giáo dục chỉ đạo công tác dọn dẹp trường lớp, đón học sinh từ mầm non đến phổ thông quay lại trường học từ ngày 17-10.
Các trường bị ảnh hưởng nặng nề hoặc đang trong vùng trũng thấp, bị ngập lụt… thường xuyên báo cáo tiến độ khắc phục hậu quả mưa lũ và thời gian dự kiến tổ chức dạy và học trở lại đến Phòng Giáo dục các địa phương.
Chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, ngày 16-10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết: “Đây là trận ngập lụt lịch sử, làm rối loạn hệ thống giao thông, gây ngập lụt các khu dân cư. Các lực lượng quân đội, công an, biên phòng và các lực lượng cơ sở đã chủ động, kịp thời ứng cứu người dân trong vùng ngập lụt... Các cấp, các ngành cần tiếp tục phát huy phương châm "4 tại chỗ", chủ động trong công tác khắc phục thiệt hại mưa lũ, với tinh thần khẩn trương, kịp thời, trực tiếp đến từng hộ dân, từng cơ sở kinh tế - xã hội trên địa bàn để thành phố nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất và ổn định cuộc sống”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.