Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đà Nẵng cần tận dụng tốt cơ hội quảng bá thông qua điện ảnh

Xuân Sơn| 10/05/2023 20:11

(HNMO) - Chiều 10-5, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra Hội thảo “Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng” với sự tham gia thảo luận của nhiều nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế về điện ảnh.

Các đại biểu tham gia các phiên thảo luận tại hội thảo.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất - 2023 (DANAFF I) diễn ra từ ngày 9-5 đến 13-5-2023 do UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cùng các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện.

Ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc chính sách công của Netflix Nhật Bản cho rằng thông qua một bối cảnh, một địa danh, thắng cảnh xuất hiện trong phim, khán giả sẽ biết và mong muốn tìm hiểu, khám phá địa danh đó. Việc đặt bối cảnh phim và huy động diễn viên quần chúng bản địa tham gia cũng là cách để người dân tự hào quảng bá bản sắc của địa phương. Như vậy, điện ảnh trở thành cầu nối quan trọng để kết nối con người ở mọi vùng miền và địa phương tại nơi ghi hình cũng sẽ được “hưởng lợi”.

Ông Yoshitaka Sugihara cho rằng, việc đón một đoàn phim quốc tế đến ghi hình cũng giúp địa phương học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá về tổ chức, sản xuất phim, kết nối diễn viên quần chúng hay xây dựng phim trường, điều này có thể gọi là “chuỗi cung ứng” trong công nghiệp điện ảnh.

Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo.

Ông Stephen P. Jenner, Phó Chủ tịch truyền thông châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ đưa ra ví dụ về Đà Nẵng: “Bản thân chúng tôi rất ấn tượng, choáng ngợp và luôn muốn quay phim trực tiếp khung cảnh bãi biển Đà Nẵng buổi sáng sớm và tôi nghĩ là nhà làm phim nào cũng muốn điều đó…”

NSND Huỳnh Văn Hùng, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cho hay, hiện Đà Nẵng đã dành quỹ đất 50ha để xây dựng trường quay. Với lợi thế cảnh quan có sông, có núi và bề dày lịch sử, tạo cảm hứng cho các nhà làm phim, Đà Nẵng cần nhiều hơn những đoàn làm phim quốc tế đến ghi hình.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng nhìn nhận, thông qua những sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch như Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF), giải thể thao quốc tế IRONMAN 70.3 và hiện tại là DANAFF I, Đà Nẵng đã đón một lượng lớn du khách và hình ảnh những thắng cảnh của thành phố được lan tỏa rộng rãi. Đà Nẵng cũng xác định điện ảnh là kênh quảng bá hữu hiệu. 

Theo bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Đà Nẵng có đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa để phát triển điện ảnh. Về lâu dài, cần sớm có sự cụ thể hóa những cơ chế, chính sách ưu đãi cho sản xuất phim như: Ưu đãi thuế, hoàn thuế, các hỗ trợ của địa phương… để thu hút các đoàn làm phim, đặc biệt là đoàn phim nước ngoài. 

Còn ông Franck Priot, Cựu Giám đốc Điều hành Film France, Ủy ban Điện ảnh Pháp cho rằng, bên cạnh việc phát triển những chính sách để thu hút các đoàn làm phim, cần phải phát triển được nguồn nhân lực, bối cảnh để hỗ trợ cho các đoàn làm phim. Cần xây dựng một trường điện ảnh hoặc có nhiều hơn các lớp đào tạo ngắn hạn để hình thành nguồn nhân lực cho hoạt động điện ảnh.

“Đà Nẵng nên chọn một bối cảnh tiêu biểu nhất để tạo hình ảnh nhận diện với khán giả”, ông Franck Priot lưu ý.

Các đại biểu chủ nhà Đà Nẵng nhận định rõ cơ hội quảng bá thông qua điện ảnh, nhưng mong có hành lang pháp lý đầy đủ, chi tiết hơn.

Từ phía địa phương, bà Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng nhìn nhận địa phương đang thiếu những doanh nghiệp lớn hoạt động ở lĩnh vực văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng, đặc biệt là những đơn vị cung cấp, hỗ trợ thiết bị, dịch vụ... Trong trường hợp có đoàn làm phim quốc tế đến địa phương và cần sự hỗ trợ về dịch vụ, thiết bị… thì rất ít đơn vị đáp ứng được. Nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp điện ảnh cũng rất thiếu.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua tháng 6-2022 và có hiệu lực từ 1-1-2023 tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Địa phương sẽ nỗ lực tận dụng cơ hội này. Tuy nhiên, rất cần cơ quan chức năng ban hành những quy định cụ thể hơn để thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh; khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành phim, phát triển thị trường điện ảnh. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng cần tận dụng tốt cơ hội quảng bá thông qua điện ảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.