Ngày 21-6, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo quốc tế “Sáng kiến địa phương - Hợp tác và Phát triển vì Môi trường Việt Nam” với sự tham gia của 120 đại biểu trong và ngoài nước.
Hội thảo do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh, Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng cùng Viện Dân số, sức khỏe và phát triển tổ chức. Hội thảo thuộc khuôn khổ Chương trình Sáng kiến địa phương do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết, chia sẻ các kết quả và bài học của quá trình thúc đẩy sự tham gia của các bên, các ngành, đặc biệt là cộng đồng dân cư và doanh nghiệp cùng chung tay giải quyết các vấn đề môi trường như bảo vệ nguồn nước, quản lý rác thải, cung cấp nước sạch, và bảo vệ môi trường không khí tại địa phương. Từ đó đưa ra các khuyến nghị cho phát triển và triển khai các dự án trong tương lai nói chung và của thành phố Đà Nẵng riêng, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các đối tác để hỗ trợ triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 120 đại biểu đến từ các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội của Đà Nẵng; các tổ chức quốc tế; tổ chức khoa học xã hội, doanh nghiệp, và đặc biệt là các cộng đồng dân cư tại Đà Nẵng, Hà Nội và Quảng Nam đã có các sáng kiến nổi bật trong giải quyết các vấn đề môi trường của cộng đồng mình. Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra phiên bàn giao các sản phẩm sáng tạo về ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước, giảm thiểu rác thải nhựa cho các đối tác địa phương tại Đà Nẵng.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Võ Nguyên Chương, giai đoạn 2020-2025, Đà Nẵng đã tiếp nhận, chủ trì tham mưu tổ chức triển khai 3 dự án hỗ trợ kỹ thuật về công tác bảo vệ môi trường. Có hơn 25 sáng kiến được nghiên cứu, 14 đối tác địa phương trực tiếp xây dựng, 19 tổ chức được huy động, 4 tổ chức khoa học kỹ thuật, hơn 100 cán bộ, nhân viên làm công tác môi trường được nâng cao năng lực về quản lý và thực hiện, 55.000 lượt người tham gia trực tiếp vào các hoạt động và 5 dữ liệu về quản lý môi trường được thiết kế.
Ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc USAID Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đang hướng về tương lai khi bàn giao những mô hình và sản phẩm thành công từ các dự án do USAID tài trợ sang cho chính quyền địa phương. Chúng ta chung tay thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thử nghiệm để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường từ những mô hình và sáng kiến có tiềm năng lớn, từ đó nhân rộng trên cả nước”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.