Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã gỡ được nút thắt

Tuấn Lương| 24/06/2010 07:35

(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản cho phép nhà đầu tư được mua căn hộ tại Khu đô thị (KĐT) Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong diện phải di chuyển phục vụ dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài.

Chủ trương này đã cởi được "nút thắt" để quận Thanh Xuân và huyện Từ Liêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trong tháng 8-2010, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm thông tuyến trong tháng 10, kịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thi công đầu cầu phía Bắc sông Nhuệ. Ảnh: Tuấn Khải

Ách tắc nhỏ, nhưng ảnh hưởng lớn

Dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài là một trong những dự án trọng điểm được Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo phải ưu tiên triển khai, bảo đảm hoàn thành trước ngày 10-10-2010. Ngoài ý nghĩa phục vụ Đại lễ, việc hoàn thành sớm dự án này còn nhằm khai thông con đường huyết mạch nối trung tâm Thủ đô với quận Hà Đông và góp phần giải tỏa ách tắc giao thông cho quốc lộ 6 - Nguyễn Trãi, đường 70…

Đại diện nhà đầu tư, Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Công ty CP Tập đoàn Nam Cường cho biết, thời gian qua, nhà đầu tư và các nhà thầu đã rất nỗ lực để dự án sớm hoàn thành. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một số vị trí, khu vực ách tắc về GPMB. Nếu không sớm hoàn tất GPMB trong tháng 8, dự án sẽ khó bảo đảm tiến độ.

Theo ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, dự án này đang mắc tại 3 điểm chính. Tại huyện Từ Liêm vẫn còn 10 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp ở xã Trung Văn chưa nhận tiền đền bù. Phương án GPMB đối với các hộ này đã được phê duyệt. Trường hợp nếu các hộ tiếp tục không hợp tác, lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế. Tại địa bàn Thanh Xuân còn vướng mắc trong khoảng 280m đường, với 197 hộ chưa được GPMB. Quận đã công khai 72 phương án, còn lại đang kiểm đếm. Vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc bố trí nhà tạm cư, tái định cư.

Gỡ khó cho công tác giải phóng mặt bằng

Dự án đang đi vào giai đoạn nước rút, nhưng kế hoạch tiến độ có thể bị vỡ chỉ vì ách tắc tại 280m đường. Trước tình hình đó, UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với nhà đầu tư để kịp thời giải quyết. Đặc biệt, về vấn đề tái định cư, tại văn bản số 177/TB-UBND, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã kết luận, trong đó chấp thuận đề xuất của UBND quận Thanh Xuân cho phép nhà đầu tư được mua căn hộ tại KĐT Nam Trung Yên để tái định cư cho các gia đình phải di chuyển. Các cấp, ngành phải vào cuộc đồng bộ khẩn trương để hoàn thành GPMB trong tháng 8.

Ngay sau đó, Sở Xây dựng đã vào cuộc, thống nhất với liên ngành, trình thành phố quyết định cho nhà đầu tư mua 192 căn hộ tái định cư tại nhà B10B, B10C KĐT Nam Trung Yên phục vụ GPMB. Ông Nguyễn Đức Biền cho biết, TP đã yêu cầu các ngành chức năng tập trung lực lượng hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình GPMB. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ cho dự án sẽ áp dụng chính sách đặc thù như đã áp dụng tại các dự án lớn trên địa bàn Thanh Xuân. Cơ chế đã rõ, song để hoàn thành GPMB đúng tiến độ, chính quyền địa phương sở tại cần vào cuộc quyết liệt, tập trung nhân lực để xử lý. Cùng với đó, sự đồng thuận chấp hành của người dân là rất cần thiết, bởi đây là dự án giao thông huyết mạch của Thủ đô.

Ông Nguyễn Quang Phúc, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng đô thị (đại diện nhà đầu tư) khẳng định, sau khi có ý kiến chỉ đạo của TP, chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn để mua 192 căn hộ phục vụ tái định cư. Chúng tôi đã tập kết đầy đủ vật liệu, sẵn sàng có mặt bằng đến đâu thi công ngay đến đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ để thông tuyến trước ngày 10-10-2010.

Đường Lê Văn Lương kéo dài là trục đường quan trọng của TP nối đường Lê Văn Lương hiện nay với Vành đai 4 qua địa phận Trung Văn (Từ Liêm), Văn Khê (Hà Đông) dài 5,7km, rộng 40m. Tuyến có ý nghĩa quan trọng trong việc khớp nối hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại giữa KĐT Trung Hòa - Nhân Chính và một loạt KĐT mới đang trong quá trình xây dựng như Phùng Khoang, Vạn Phúc, Văn Khê, Dương Nội, An Hưng…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã gỡ được nút thắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.