(HNMO) - Tới sáng 10-2 (theo giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng ghi nhận tại hai quốc gia gánh chịu thảm họa động đất 7,8 độ richter đã lên tới trên 21.000 trường hợp.
Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 17.674 trường hợp, Syria ghi nhận 3.377 trường hợp. Trong số các trường hợp được giải cứu, một số người đã nằm dưới đống đổ nát tới 4 ngày liên tiếp. Cũng theo cơ quan ứng phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AHAD), đã có hơn 650 dư chấn được ghi nhận kể từ sau hai rung chấn 7,8 độ richter và 7,6 độ richter ban đầu.
Hiện, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã tới Syria, nơi WHO tham gia cứu trợ. Trong khi đó, Liên hợp quốc cũng đã cử Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths tới Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ), Aleppo và Damascus (Syria) để tham gia ứng phó.
Bên cạnh các nỗ lực cứu hộ, cứu nạn, công tác phục hồi đã từng bước được triển khai. Tuy nhiên, tiến trình khôi phục về dài hạn vẫn là một vấn đề lớn trong bối cảnh cơ quan quản lý thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận hàng ngàn toà nhà bị sập, trong đó có nhiều bệnh viện.
Tuy nhiên, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ "không bỏ lại ai trên đường phố", đồng thời cho biết nước này sẽ xây mới hạ tầng sinh hoạt cho người dân “trong vòng 1 năm”.
Tới nay, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã thông báo đang tiến hành các bước để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khoản hỗ trợ và phục hồi trị giá 1,78 tỷ USD. Thông báo cho biết khoản hỗ trợ trị giá 780 triệu USD sẽ được gửi ngay lập tức cho Ankara, trong khi các khoản vay khác thuộc gói cứu trợ nêu trên sẽ được chuyển sang hai dự án vay vốn của WB tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu để thảo luận về cách Washington có thể hỗ trợ Ankara và Syria sau trận động đất. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng ngày thông báo sẽ cung cấp khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 85 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.