(HNM) - Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án quan trọng để đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng ở thành phố Hà Nội. Dù khởi công sau tuyến Nhổn - ga Hà Nội, nhưng dự án này đang tiến triển với những tín hiệu khả quan…
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang được khẩn trương thi công.
Ảnh: Đàm Duy
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, khởi công từ ngày 17-4-2010. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời công trình hạ tầng trên tuyến, nên mới thi công được một số trụ tại khu vực hồ Đống Đa. Với sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của UBND TP Hà Nội, thời gian qua, công tác GPMB đã đạt được một số kết quả khả quan. Đến nay, Ban Quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) đã tiếp nhận khoảng 87% diện tích để thi công. Tại khu vực depot (chiếm khoảng 70% diện tích phải GPMB), đơn vị đã tiếp nhận 22,3ha/23ha. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến đã được di chuyển, hạ ngầm để phục vụ thi công.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Trần Văn Lục cho biết, giai đoạn khó khăn về cơ bản đã được giải quyết để có thể bắt đầu tăng tốc, thi công đồng loạt. Đến tháng 9-2011, 7 trụ cầu trên hồ Đống Đa, 4 trụ trên phố Hoàng Cầu đã hoàn thành, góp phần hình thành diện mạo cảnh quan mới tại khu vực. Nhà thầu đang di chuyển thiết bị, tổ chức rào chắn, tiếp tục khoan nhồi các trụ trên phố Hào Nam. Trong tháng 9, các nhà thầu tổ chức thi công trên đường Quang Trung (quận Hà Đông), xử lý nền đất yếu tại khu vực depot. Tại khu vực ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Ban Quản lý dự án đường sắt đã làm việc với Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT - đại diện chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3, giai đoạn 2) để thi công cùng lúc, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến giao thông khu vực. Dự kiến, cuối tháng 10, đầu tháng 11, các trụ cao nhất (23m) của tuyến sẽ bắt đầu thi công tại nút. Đây là phần việc có ý nghĩa quan trọng, bởi phần lớn dầm sẽ được đúc sẵn trong khu vực depot và tổ chức lao lắp từ phía Hà Đông ra Cát Linh nhằm bảo đảm giao thông. Tiến độ thi công các trụ sẽ giúp bảo đảm tiến độ toàn dự án.
Dù đã tiếp nhận và có thể tổ chức thi công trên khoảng 87% diện tích phải thu hồi mặt bằng, tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Báo Hànộimới, công tác GPMB đường nhánh nối từ tuyến chính và khu vực depot đang gặp không ít khó khăn, bởi đến nay vẫn chưa thể mở rộng nghĩa trang Trinh Lương phục vụ nhu cầu chôn cất, di chuyển mồ mả của nhân dân địa phương. Tại cuộc họp với quận Hà Đông về tiến độ GPMB, thi công các dự án giao thông hạ tầng diễn ra ngày 28-7-2010, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc có quyết định quy hoạch nghĩa trang trước ngày 5-8-2010 để địa phương thực hiện dự án mở rộng. Sau đó, ngày 25-2-2011, Văn phòng UBND thành phố có công văn số 804/VPUB-GT đề nghị di chuyển nghĩa trang Vân Nội phục vụ dự án, yêu cầu các sở, ngành, cơ quan thành phố, quận Hà Đông sớm có đề xuất về vấn đề này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay vẫn chưa có quy hoạch mở rộng nghĩa trang Trinh Lương phục vụ dự án.
Bên cạnh đó là nỗi lo thu hồi đất tại một số điểm liên quan trực tiếp đến nơi ở của các hộ dân. Ban Quản lý dự án đường sắt đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng, TP Hà Nội hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng toàn tuyến, các ga để chính thức công bố, thu hồi đất. Những điểm dự báo khó khăn là khu vực phường Cát Linh, Thịnh Quang, Thượng Đình, do liên quan đến nhiều hộ dân đang sinh sống.
Thêm vào đó, việc thi công trong điều kiện phải bảo đảm giao thông không hề đơn giản, đặc biệt là trên tuyến phố Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông). Nếu như một số tuyến khá thuận lợi do có dải phân cách rộng như Cát Linh - Thái Hà - Láng thì tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú khá hẹp, lưu lượng giao thông lớn. Đây chắc chắn là thách thức thực sự với chủ đầu tư và các nhà thầu. Dự kiến, đến năm 2015, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác. Để bảo đảm tiến độ đề ra, đòi hỏi các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và thành phố phải phối hợp chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.
- Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 553 triệu USD, sử dụng vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn vay ưu đãi bên mua Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
- Toàn tuyến dài gần 13km, có 454 trụ cầu, 12 ga gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Đại học Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân, bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, bến xe Yên Nghĩa. Khổ đường 1.435mm, bảo đảm cho tàu chạy với vận tốc 80 km/h.
- Tàu chạy từ 5h đến 23h hằng ngày với tần suất vào giờ cao điểm là 3 phút/chuyến, có khả năng vận chuyển cao nhất 28.500 hành khách/giờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.