Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa dạng hóa sinh kế cho người khuyết tật

Mai Hoa| 08/09/2022 06:30

(HNM) - Hiện tại, số người khuyết tật có việc làm còn khiêm tốn so với lực lượng người khuyết tật còn khả năng lao động, mong muốn có việc làm để khẳng định mình, tạo ra giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội. Chính vì vậy, việc tìm giải pháp tháo gỡ rào cản trong tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế bền vững cho người khuyết tật, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Người khuyết tật làm việc tại Hợp tác xã Vụn Art (quận Hà Đông). Ảnh: Đỗ Tâm

Chuyện của người trong cuộc

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam, trong số hơn 6,4 triệu người khuyết tật hiện nay, chỉ có 31,7% nằm trong lực lượng lao động. Trong số hơn 109.000 người khuyết tật ở Hà Nội, chỉ có hơn 30.000 người có khả năng lao động và khoảng 9.600 người khuyết tật có việc làm. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật càng gặp nhiều trở ngại.

Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, người sáng lập Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường cho biết: “Do dịch Covid-19, chúng tôi gặp nhiều khó khăn để duy trì. Gần 3 năm qua, Vụn Art phải nỗ lực rất nhiều mới có thể trả lương tối thiểu cho người lao động. Do quá khó khăn, nên chúng tôi phải nợ thuế, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật, dẫn đến việc người khuyết tật không được thụ hưởng chính sách về bảo hiểm khi đau ốm…”.

Ông Lê Việt Cường, 46 tuổi, là người khuyết tật từ năm 1 tuổi do di chứng của bệnh bại liệt. Bản thân từng gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm nên ông luôn đau đáu suy nghĩ, sau này khi cuộc sống tạm ổn định, sẽ làm một việc gì đó cho người khuyết tật. Thực hiện quan điểm “phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của cộng đồng, chính quyền về tạo việc làm cho người khuyết tật và suy nghĩ của người khuyết tật khi học nghề, tạo ra sản phẩm từ mua mang tính chất từ thiện sang cạnh tranh sòng phẳng...”, tháng 10-2017, Vụn Art ra đời với một lớp học nhỏ được thuê và 10 người khuyết tật tham gia học nghề đầu tiên. Sau 5 năm, Vụn Art đã dạy nghề tranh ghép vải cho 57 người khuyết tật và có 25 người khuyết tật thành nghề, được tạo việc làm tại chỗ. Tổng số lao động của Vụn Art hiện nay là 30 người, trong đó có 25 người khuyết tật.

“Có khi phải mất tới 5 năm mới đào tạo được 1 người khuyết tật thành thạo nghề. Tôi mong Vụn Art tiếp tục tồn tại để có cơ hội đóng góp sức mình cho cộng đồng và những cơ sở của người khuyết tật được tiếp cận các chính sách ưu đãi”, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông Lê Việt Cường chia sẻ.

Tình trạng khó khăn như trường hợp của Vụn Art là phổ biến. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (huyện Sóc Sơn) Đinh Thị Quỳnh Nga cho biết: “Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng ra đời năm 2015, chuyên tư vấn, tạo việc làm, hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập xã hội. Trong khi chi phí đào tạo nghề cho người khuyết tật là rất lớn, thời gian đào tạo dài, nhưng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, khó tiếp cận chính sách ưu đãi về thuế, phí thuê mặt bằng…”.

Để chính sách gần thực tiễn hơn

Được biết, hiện chưa có chính sách bảo hiểm xã hội dành riêng cho người khuyết tật, trong khi đa phần người khuyết tật lương thấp, vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội như người khỏe mạnh, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật. Ngoài ra, người khuyết tật cũng không được ưu đãi về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có tình trạng trợ cấp xã hội của người khuyết tật bị cắt…

Theo Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam Đinh Thị Thụy, cần phải nghiên cứu thấu đáo, giúp người khuyết tật tham gia mạng lưới bảo hiểm xã hội tốt nhất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố hiểu chưa đúng về việc người khuyết tật đi làm, có việc làm, có lương không được hưởng trợ cấp xã hội. Luật Người khuyết tật quy định rõ, mọi người khuyết tật đều được hưởng trợ cấp xã hội. Khi người khuyết tật nỗ lực vượt khó đi làm, họ có lương và vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp xã hội, chứ không được cắt trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật.

Ngoài trợ cấp xã hội hằng tháng, điều quan trọng nhất là người khuyết tật có việc làm để hòa nhập cuộc sống tốt hơn, hướng tới đa dạng hóa sinh kế cho người khuyết tật. Hiện nay, nhiều người khuyết tật phải sống trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh, làm việc đơn giản, thu nhập thấp, công việc thời vụ, ít được tham gia bảo hiểm xã hội. Theo luật sư Phạm Thu Hương, Phó Chánh Văn phòng Hội Luật gia thành phố Hà Nội, Luật Bảo hiểm xã hội chưa có quy định riêng về việc giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, số năm tối thiểu mà người khuyết tật làm việc để được hưởng chế độ hưu trí. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người khuyết tật. Với trường hợp người khuyết tật đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nên có chính sách giảm thời gian đóng bảo hiểm, mở rộng quyền lợi hưởng chính sách đối với người khuyết tật về thời gian nghỉ sinh con, nghỉ ốm…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hóa sinh kế cho người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.