Thời gian qua, các hệ thống bán lẻ đã tập trung tái cấu trúc hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng nội lực trong đó đáng chú ý là sự đa dạng hóa các mô hình bán lẻ. Sự làm mới này phù hợp với xu thế kinh doanh hiện đại bởi không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn góp phần phát triển ngành thương mại nội địa và tăng trưởng kinh tế.
Nhiều mô hình siêu thị mới
Từ cuối tháng 6, người tiêu dùng Hà Nội có thêm trải nghiệm mới khi mua sắm tại siêu thị WinMart Thăng Long ở quận Cầu Giấy. Đây là mô hình siêu thị đầu tiên tại Hà Nội mang phong cách châu Âu hiện đại với các khu trưng bày có màu sắc khác nhau vừa tạo sự chuyên biệt các gian hàng vừa tạo sự hài hòa tổng thể. Chị Nguyễn Thanh Hằng (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) bày tỏ ấn tượng với không gian mua sắm tại siêu thị này cùng danh mục sản phẩm và dịch vụ đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu người mua.
Trước đó, tháng 5-2023, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce (quản lý, vận hành hệ thống siêu thị WinMart, WinMart+, WIN) cũng đã khai trương mô hình siêu thị WinMart mang đến những trải nghiệm mới cho nhiều nhóm khách hàng tại thành phố Hồ Chí Minh.
Một “ông lớn” bán lẻ khác là Tập đoàn BRG cũng đã bắt tay với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) để phát triển chuỗi siêu thị FujiMart. Theo đó, siêu thị thứ 4 đã khai trương tại Hà Nội hôm 10-6 vừa qua. FujiMart đặt tiêu chí xanh, sạch, bảo đảm chất lượng lên hàng đầu gắn với không gian mua sắm thân thiện và thuận tiện mang đến sự hứng khởi cho người tiêu dùng. Tương tự, Công ty TNHH Aeon Việt Nam cũng ra mắt mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn tại Hà Nội, mang nhiều trải nghiệm chất lượng tới khách hàng.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các nhà bán lẻ, siêu thị trong việc đa dạng hóa các mô hình bán lẻ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, góp phần đạt mục tiêu Chiến lược phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nói.
Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ
Người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển bùng nổ những năm gần đây gắn với các mô hình bán lẻ đa dạng. Đáng nói là chất lượng dịch vụ tại các hệ thống bán lẻ ngày càng được nâng cao.
Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống siêu thị FujiMart chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Theo đó mỗi năm liên doanh này sẽ mở mới từ 5-10 cửa hàng và đến năm 2028 sẽ đạt khoảng 50 cửa hàng mới tại các thị trường lớn trên cả nước. WinCommerce thì gia tăng sự hiện diện trên thị trường bằng cách duy trì tốc độ mở mới 800 cửa hàng trong năm nay đồng thời triển khai các mô hình riêng biệt dành riêng cho từng phân khúc khách hàng tại thành thị và nông thôn. Tổng Giám đốc WinCommerce Nguyễn Thị Phương cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và nhiều biến động, WinCommerce tập trung tái cấu trúc hệ thống; phát triển các mô hình bán lẻ mới đón đầu xu hướng tiêu dùng hiện đại; phối hợp với nhiều nhà sản xuất nội địa để mang tới các sản phẩm chất lượng, thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm...
Nhà bán lẻ Aeon cũng đang đẩy mạnh hợp tác với nhiều doanh nghiệp Việt, phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất trong nước với chất lượng, tiêu chuẩn Aeon nhưng giá bán cạnh tranh. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng thêm lựa chọn khi mua sắm mà còn góp phần ổn định chuỗi cung ứng, giúp các nhà sản xuất nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Aeon và thế giới.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các chuyên gia cho rằng, nhà bán lẻ cần đẩy mạnh số hóa và mở rộng kênh bán hàng từ đó cắt giảm chi phí và giảm rủi ro vận hành trong dài hạn. Đặc biệt, các nhà bán lẻ cần không ngừng đổi mới và nâng cao trải nghiệm của khách hàng bởi bán lẻ giờ đây không còn đơn thuần chỉ là mua và bán.
Về phía các nhà bán lẻ, mong muốn được kéo dài thời gian áp dụng thuế suất 8% với nhiều nhóm hàng, giúp giảm giá thành sản phẩm từ đó tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn phát triển hạ tầng giao thông giúp tối ưu chi phí vận chuyển, hỗ trợ tín dụng, đồng thời tạo sân chơi công bằng, minh bạch để các nhà bán lẻ Việt có thể phát huy ưu thế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.