Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa dạng hình thức tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm

Quỳnh Ngọc| 25/05/2023 07:06

(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững; kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ. Công tác này cũng giúp người tiêu dùng bổ sung kiến thức trong nhận diện và tiếp cận sản phẩm an toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Lan Chi (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hương Giang

Theo Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng Cao Thị Hoa, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, quận Hai Bà Trưng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Cùng với đó, kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn đang dần đi vào nền nếp. Huyện Ba Vì đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật An toàn thực phẩm và các văn bản dưới luật, tác hại của việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã tổ chức 140 lớp tập huấn trực tiếp cho các chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, với 13.500 người tham dự. Chi cục cũng chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông công bố kết quả thanh tra, kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm, phổ biến các văn bản mới và kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống ngộ độc, lựa chọn thực phẩm an toàn; chỉ đạo các đơn vị viết tin, bài về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh... cho Trang thông tin của Sở NN&PTNT, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội.

Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ NN&PTNT về an toàn thực phẩm mới đây, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong thông tin, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, Hà Nội chủ động và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng. Cùng với đó, chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và những vùng sản xuất trên địa bàn thành phố, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn; tăng cường phối hợp với các tỉnh trong quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông, lâm, thủy sản vào Hà Nội.

Trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất, hậu kiểm, kiểm nghiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để công tác quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, chính quyền địa phương kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hoạt động trên nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện các quy định về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân, kiến thức, sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn về kiến thức an toàn, phổ biến văn bản pháp luật của Nhà nước cho cán bộ xã, phường, thị trấn... cũng như người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm gây ra, Hà Nội cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, nhà hàng, ăn uống, siêu thị… Ngoài ra, thành phố cũng cần tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý chợ, siêu thị; các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm đã được phê duyệt, sau đó nhân rộng ra. Đặc biệt, việc kiểm soát an toàn thực phẩm phải được làm từ gốc, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, các quận, huyện thị xã tổ chức 609 buổi tập huấn cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng với tổng số 46.525 lượt người; viết 950 bài về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyên truyền 9.050 lượt trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn. Công tác tuyên truyền còn được thể hiện qua 1.428 băng rôn, khẩu hiệu tại các xã, phường, thị trấn, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 968 tranh, ảnh, áp phích; 42.644 tờ gấp, tờ rơi; 385 bản tin, 150 ấn phẩm. Ngoài ra, các địa phương đã tổ chức ký cam kết an toàn thực phẩm cho 5.560 cơ sở.

Công tác tuyên truyền hướng tới mục tiêu mỗi hộ gia đình, người dân thay đổi nhận thức, phối hợp và thực hiện tốt theo khuyến cáo của ngành Y tế; chọn lựa, mua bán, bảo quản thực phẩm an toàn và bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, hợp lý trong các bữa ăn gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hình thức tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.