Ngày 23/4, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức lễ tiễn bệnh nhân ra viện là mẹ con sản phụ Bùi Thị Lan Hương (30 tuổi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh), bị nhiễm cúm A/H1N1 suy hô hấp nặng khi đang mang thai tuần thứ 35.
Lãnh đạo BV Bạch Mai chúc mừng 2 mẹ con sản phụ Lan Hương ra viện. (Ảnh: ĐT) |
Tại đây, PGS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chúc mừng gia đình bệnh nhân và đánh giá thành công của ca bệnh này là nhờ sự hợp tác và chẩn đoán tốt giữa các bác sĩ trong toàn bệnh viện (BV) khi phát hiện và xử trí những biến cố nhanh nhất.
Theo PGS.TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, BV Bạch Mai, bệnh nhân Hương nhập viện từ ngày 18/3 với biểu hiện của hội chứng cúm như: sốt, đau mỏi toàn thân, mệt, vã mồ hôi…. Trước đó, bệnh nhân đã tự điều trị nhưng không khỏi.
Sau 5 ngày, bệnh nhân không đỡ sốt, ho và có biểu hiện khó thở nhiều hơn nên được gia đình đưa vào khám tại BV Bãi Cháy (Quảng Ninh). Tại đây, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nặng dần, phim X-quang cho thấy 2 phổi bị tổn thương mờ lan tỏa. Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi nặng nghi do cúm A và phải đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.
PGS.TS. Nguyễn Gia Bình cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp nặng, X-quang phổi thấy tổn thương gần hết. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển – viêm phổi do cúm A/ thai 35 tuần. Kết quả xét nghiệm cúm A/H1N1.
Bệnh nhân được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực như: thở máy với các biện pháp tốt nhất để cải thiện oxy máu, thuốc kháng virus sớm, kháng sinh và lọc máu liên tục để loại bỏ các yếu tố khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Tuy nhiên, sau một ngày điều trị, nguy cơ tử vong cả mẹ và con vẫn rất cao. Vì vậy, ngay sau khi hội chẩn, BV đã quyết định mổ lấy thai để cứu em bé một cách trọn vẹn nhất. Em bé sinh ra nặng 2.6kg.
Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai (một trong những người hội chẩn ca bệnh) cho biết, nếu không mổ lấy thai sớm, các bệnh của mẹ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, các loại thuốc truyền cho mẹ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. Khi đó, khó có thể nói trước được sức khỏe của thai nhi bị ảnh hưởng như thế nào.
Về phía sản phụ Hương, các bác sỹ nhận định, tình trạng tổn thương phổi tiến triển nhanh hơn đến mức nguy kịch, oxy trong máu rất thấp mà không đáp ứng với thở máy và nồng độ oxy tối đa, xuất hiện thêm tràn khí màng phổi cả hai bên nên phổi không còn khả năng trao đổi oxy. Bệnh nhân nhanh chóng bị đẩy vào trạng thái cực kỳ nguy kịch, gần như không còn khả năng cứu chữa.
Ngay sau khi mổ lấy được thai nhi, các bác sỹ đã nhanh chóng mở màng phổi hai bên của sản phụ để dẫn lưu khí, điều chỉnh liên tục các thông số máy thở để cứu bệnh nhân.
BS Nguyễn Gia Bình chia sẻ, các bác sĩ đã phải áp dụng kĩ thuật “tim phổi nhân tạo tại giường” cho bệnh nhân, đây là cứu cánh cuối cùng cho bệnh nhân. Và, cũng là lần đầu tiên BV áp dụng hỗ trợ phổi (“phổi nhân tạo”) cho một bệnh nhân tổn thương phổi nặng do cúm A. Điều khó khăn nhất lúc ấy là các tạng của bệnh nhân bị suy rất nặng, dễ xảy ra nhiều nguy cơ như: tụt hoặc tắc các ống thông mạch máu, nguy cơ nhiễm trùng, tắc mạch rối loạn đông máu, chảy máu…Tuy nhiên, bằng trách nhiệm và kinh nghiệm, các bác sỹ đã cứu được bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Hiện, sức khỏe của 2 mẹ con bệnh nhân đã ổn định. Bé gái đã ăn ngủ tốt, bệnh nhân Hương cũng không cần phải sử dụng tới sự hỗ trợ hô hấp nào, các bác sỹ đánh giá không thấy có biến chứng gì./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.