(HNMO) - Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân nam ở Bình Dương bị rối loạn huyết áp do máu bị cô đặc. Hiện nay, đây là ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.
Bệnh nhân Nguyễn Thành T, sinh năm 1996 được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng sốc nặng, tay chân lạnh, đe dọa tính mạng. Tại đây, các bác sĩ đã xét nghiệm tìm thấy dấu hiệu bất thường, máu của bệnh nhân bị cô đặc, bạch cầu máu tăng cao gấp 5 lần người bình thường. Các bác sĩ cho biết, huyết tương của bệnh nhân thoát ra ngoài lòng mạch máu, trong khi đó thành phần máu còn lại như hồng cầu, bạch cầu thay vì chỉ có 40% đã tăng lên 70%, gây ra tình trạng máu bị cô đặc.
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại – khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: “Khi tiếp cận bệnh nhân, chúng tôi hội chẩn với BS CKII Phan Thị Xuân, trưởng khoa ICU và TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được làm thêm nhiều xét nghiệm chuyên sâu như điện di miễn dịch, định lượng cytokine máu… Sau khi tra cứu thêm y căn, chúng tôi xác định bệnh nhân sốc do Hội chứng thoát dịch mao mạch hệ thống vô căn, hay còn gọi là Clarkson’s disease”.
Theo y văn thế giới, bệnh lý này được mô tả lần đầu bởi bác sĩ Clarkson năm 1960, trên bệnh nhân có những đợt tái đi tái lại tụt huyết áp, giảm thể tích, phù. Sau đó, tên của ông được đặt tên cho bệnh lý này. Bệnh lý này rất hiếm, trên thế giới, từ 1960 đến 2010 có ít hơn 150 trường hợp được ghi nhận. Đến năm 2016 có ít hơn 200 trường hợp được mô tả trong y văn.
Bệnh tiến triển qua ba giai đoạn, với triệu chứng ban đầu giống như cúm, 30-50% biểu hiện giống chứng cúm, kích thích, mệt mỏi, đau cơ, thỉnh thoảng có buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, sốt và thưởng khỏi phát sau một stress thể chất hoặc tâm lý. Sau đó bệnh nhân nhanh chóng tiến triển đến sốc và có thể gây ra các biến chứng như suy thận, thuyên tắc tĩnh mạch sâu, chèn ép khoang, hủy cơ, phù phổi cấp…
Bệnh cần được cấp cứu hồi sức kịp thời với dịch truyền như albumin hoặc cao phân tử, điều trị cũng như phòng ngừa các biến chứng. Tùy trường hợp có thể cần điều trị bằng các phương pháp như truyền globumin miễn dịch hay các thuốc ức chế miễn dịch.
Sauk hi được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được xuất viện sau 7 ngày, tiếp tục được tái khám và theo dõi. Hiện bệnh nhân còn yếu hai chân do biến chứng chèn ép khoang, tuy nhiên đã tự đi được và đi học trở lại
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.