(HNMO) - Sau khi tắm xong, bé gái 8 tuổi (ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật. Ngay lập tức, cháu bé được sơ cứu ban đầu tại cơ sở y tế huyện trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Kết quả, bé gái này bị đột quỵ nhồi máu não không rõ nguyên nhân.
Ngày 5-5, theo tin từ Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ), tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bé gái 8 tuổi bị đột quỵ.
Theo đó, cháu Nguyễn Thị A (ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) có tiền sử khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Khoảng 18h ngày 28-3, sau khi tắm xong, cháu có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật. Ngay lập tức, cháu được sơ cứu ban đầu tại cơ sở y tế huyện trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ được chẩn đoán nhồi máu não nhân bèo trái không rõ nguyên nhân, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải.
Sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhi được chuyển về phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên, lúc này bệnh nhi vẫn còn méo miệng, nói chưa tròn tiếng, nửa người bên phải yếu. Việc đi lại sinh hoạt cần sự trợ giúp của người nhà, không thể tự đánh răng, rửa mặt, buộc tóc; cầm nắm đồ vật nhỏ rất khó; không thể viết chữ…
Hiện nay, sau 10 ngày tích cực điều trị tại Đơn vị Phục hồi chức năng, bé gái 8 tuổi đột quỵ đã hồi phục rất tốt. Cụ thể là miệng đã hết méo, ăn uống không rơi vãi, có thể tự đi lại, vui chơi mà không phải phụ thuộc vào dụng cụ trợ giúp hay người nhà hỗ trợ. Trẻ có thể sinh hoạt hằng ngày bằng tay bên phải như đánh răng, rửa mặt, tự mặc quần áo, viết được chữ to, tuy còn xấu…
Theo các chuyên gia, đột quỵ ở trẻ em không khác gì ở người lớn, đều là đột ngột xảy ra với những dấu hiệu thần kinh khu trú. Đối với những trẻ lớn, dấu hiệu đột quỵ tương tự người lớn, như: Méo miệng, nói ngọng, liệt nửa người, rối loạn về thị giác và thăng bằng. Còn ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ chưa biết đi, chưa biết kêu đau thì việc phát hiện khó hơn.
Có nhiều trường hợp đột quỵ không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ đau đầu, nôn trớ, lơ mơ, lừ đừ. Những triệu chứng này rất chung chung và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Có trường hợp có thể nhầm lẫn với viêm màng não, vì đôi khi bé có sốt kèm theo, hoặc có thể nhầm lẫn với bệnh động kinh… Để giảm nguy cơ tử vong và tàn phế thì thời gian “vàng” cấp cứu bệnh nhi đột quỵ tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.