Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cứu người bị điện giật ngưng tim, ngưng thở bằng phương pháp ''ngủ đông''

Tuệ Diễm| 04/11/2020 13:04

(HNMO) - Anh N.H.T (26 tuổi, tạm trú tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) trong lúc sửa điện đã bị điện giật, ngã xuống và ngưng tim, ngưng thở. Anh T được Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống nhờ áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, dân gian thường gọi là “ngủ đông”.

Bệnh nhân được cứu sống bằng phương pháp “ngủ đông”.

Ngày 4-11, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Sỹ - Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy cứu sống nhiều bệnh nhân được áp dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong đó, trường hợp bệnh nhân gần nhất được cứu sống bằng phương pháp này là anh N.H.T. Bệnh nhân N.H.T là thợ điện, nhưng không may bị điện giật khi đang sửa lại mái tôn tại nhà. Bệnh nhân ngã từ độ cao 1m xuống mặt đất, sau đó được người nhà sơ cứu, rồi chuyển đến Bệnh viện Bình Chánh. Tại đây bệnh nhân được hồi sức tim mạch 45 phút, may mắn tim đập trở lại, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, do thời gian ngưng tim kéo dài, nên dù tim đập trở lại nhưng yếu ớt, bệnh nhân tụt huyết áp, suy thận, hôn mê sâu.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Sỹ cho biết: “Chúng tôi tiến hành phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy bằng cách dùng tấm dán Hydrogel Pad để hạ thân nhiệt người bệnh xuống 34-36 độ C. Phương pháp này giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong, giảm tổn thương tế bào não, tim, giảm tổn thương thiếu máu cục bộ, giảm tổn thương hàng rào máu não và chết nơron thần kinh”.

Sau 24 giờ tiến hành hạ thân nhiệt, bệnh nhân có phản xạ. Sau đó các bác sĩ làm ấm bệnh nhân từ từ, sau 3 ngày thì đưa thân nhiệt bệnh nhân trở về trạng thái bình thường và bệnh nhân hồi tỉnh, có phản xạ mắt, tai nghe rõ, thực hiện được các y lệnh. Hiện nay, tình trạng bệnh nhân ổn định, không có tổn thương não dù từng bị hôn mê sâu do điện giật ngưng tim, ngưng thở trong khoảng thời gian dài.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Sỹ, kỹ thuật hạ thân nhiệt có từ thời cổ đại, dùng để cứu những trường hợp ngưng tim. Suốt thời gian dài, phương pháp này được ứng dụng trong y khoa nhưng rất bấp bênh, bằng chứng hiệu quả thu được không nhiều, nên rơi vào thoái trào.

Về sau, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sau ngưng tim, tổn thương não được áp dụng nhiều nhờ quy trình được kiểm soát bằng kỹ thuật cao, máy móc hiện đại hỗ trợ kiểm soát mức thân nhiệt người bệnh 24/24. Do đó, trong những năm gần đây, y khoa đã bắt đầu ứng dụng lại kỹ thuật này.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kỹ thuật này được triển khai từ đầu tháng 7-2020 và đã áp dụng cho 6 bệnh nhân, trong đó có 2 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn; 4 trường hợp còn lại mặc dù bệnh cảnh rất nặng, có nhiều bệnh nền, nhưng cũng cho hiệu quả tốt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cứu người bị điện giật ngưng tim, ngưng thở bằng phương pháp ''ngủ đông''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.