(HNMO)- Các loài gấu của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Nguy cơ đó ngày càng cao. Trong khi, có thể nói, các cơ quan chức còn thiếu biện pháp tích cực để phục hồi và bảo tồn, ngay như việc ngăn chặn nạn mua bán mật gấu cũng chỉ mang tính hình thức…
Số lượng gấu giảm rõ rệt
Việt Nam là nơi phân bố của hai loài gấu ngựa (Ursus thibetanus) và gấu chó (Helarctos malayanus). Cuối tháng 11- 2011, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã đưa ra cảnh báo, cả hai loài gấu này đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn săn bắt, buôn bán trái phép phục vụ nhu cầu khai thác mật để làm thuốc. Gấu thường bị săn bắt trong tự nhiên khi còn là gấu con để đem bán cho các trang trại nuôi nhốt khai thác lấy mật. Hiện Việt Nam có khoảng 3.500 cá thể gấu nuôi nhốt, chủ yếu đều có nguồn gốc từ tự nhiên.
Trước đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2006, trên địa bàn toàn quốc đã có 4.349 cá thể gấu được gắn chíp điện tử và lập hồ sơ quản lý. Chỉ cần làm phép tính đơn giản có thể nhận thấy, trong vòng 5 năm qua, số lượng gấu nuôi nhốt trong cả nước giảm mất hàng trăm con. Còn tại Hà Nội, theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, cuối năm 2008, trên địa bàn thành phố có 158 hộ nuôi 580 cá thể gấu, nhưng đến cuối năm 2011, còn 107 cơ sở đang nuôi 411 cá thể gấu.
Số lượng gấu nuôi nhốt bị chết ngày càng tăng |
Điều này cho thấy, các loài gấu của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Bởi vậy, cần có những biện pháp cấp bách và mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng nuôi nhốt và buôn bán gấu trái phép tại Việt Nam. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã khuyến nghị một số giải pháp, như: thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức lâu dài nhằm thay đổi niềm tin về sự kỳ diệu của mật gấu, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các giải pháp thay thế mật gấu (cả thảo dược lẫn tây y). Cơ quan chức năng cải thiện các văn bản luật và chính sách liên quan, tăng cường thực thi pháp luật để từng bước chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu và việc sử dụng mật gấu.
Vài năm trước, hình ảnh rao bán mật gấu như thế này là chuyện bình thường trên đường 32 đoạn qua huyện Phúc Thọ (Hà Nội) |
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần phải thường xuyên kiểm tra các trại gấu để đảm bảo không có gấu mới nhập vào các trang trại này. Tất cả các cá thể gấu bất hợp pháp và không đăng ký cần được tịch thu, chủ sở hữu phải bị xử phạt thích đáng. Các nhà chuyên môn cần thực hiện các nghiên cứu đánh giá về tầm quan trọng của các quần thể gấu trong tự nhiên, từ đó đề ra các nỗ lực hồi phục và bảo tồn thích hợp. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu đánh giá về tình trạng nuôi nhốt gấu.
Đánh trống bỏ dùi
Để tăng cường công tác quản lý gấu nuôi, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, ngày 29-9-2008, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN về việc ban hành Quy chế quản lý gấu nuôi. Theo đó, tại công văn số 573/BNN-KL ngày 13-3-2009 của Bộ NN&PTNT nêu rõ: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể thời gian hoàn thành các điều kiện về chuồng trại nhưng không sau ngày 30-6-2009. Sau thời gian quy định, nếu cơ sở nuôi gấu nào cố tình không thực hiện thì kiên quyết xử lý, tịch thu theo quy định của pháp luật”.
Các cơ sở nuôi gấu ở Hà Nội đều không đáp ứng được yêu cầu về chuồng, trại của Bộ NN&PTNT |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này thiếu tính khả thi. Mới đây, trao đổi với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội được biết, mặc dù các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực phổ biến các quy định của Nhà nước về thủ tục đăng ký trại nuôi gấu đến các hộ có gấu nuôi nhốt, nhưng đến nay tất cả các hộ nuôi gấu trên địa bàn thành phố đều chưa đáp ứng được điều kiện để được cấp giấy chứng nhận trại nuôi gấu theo Quy chế quản lý gấu nuôi.
Tìm hiểu thực tế tại các huyện Đan Phượng, Hoài Đức và Phúc Thọ là những địa phương có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất của Hà Nội cho thấy, các chuồng nuôi nhốt gấu đều không đảm bảo theo quy định; các hộ tự đảm nhận công tác thú y, chữa trị bệnh cho gấu mỗi khi gấu đau ốm… Khi được hỏi, phần lớn các hộ nuôi gấu ở đây đều mong muốn nhà nước hỗ trợ cho họ kinh phí trong việc sửa chữa chuồng, trại nhằm đáp ứng được tiêu chí theo Quy chế quản lý gấu nuôi theo Quyết định 95 của Bộ NN&PTNT. Bởi, theo họ kinh phí sửa chữa chuồng, trại rất tốn kém.
Được biết, để gấu nuôi nhốt có thể sinh sản được đòi hỏi phải tạo cho chúng một môi trường rộng rãi và có chế độ chăm sóc khá đặc biệt. Điều đó gần như là không thể thực hiện được đối với các cơ sở, cá nhân nuôi nhốt gấu hiện nay. Bởi trên thực tế, họ nuôi nhốt gấu là nhằm mục đích kinh doanh, làm giàu từ việc lấy mật gấu. Những năm trước, khi mật gấu đắt họ còn tận tâm chăm sóc với mong muốn càng lấy được nhiều mật càng tốt nhằm đạt được lợi nhuận tối đa. Còn vài năm trở lại đây, khi nhu cầu về mật gấu có phần giảm, giá mật gấu rẻ đi, thì đối với không ít hộ nuôi gấu việc chăm sóc không còn như trước, thậm chí là cho ăn cầm hơi qua ngày…
Với điều kiện sống chật hẹp, nuôi với mục đích lấy mật, thì những cá thể gấu nuôi nhốt bảo tồn mạng sống còn khó nói gì đến chuyện sinh sản |
Thực tế cũng cho thấy, các cơ quan chức năng thiếu quyết liệt trong việc ngăn chặn việc mua bán mật gấu, thậm chí chỉ mang tính hình thức, lấy lệ cho xong. Dọc đường 32 đoạn qua huyện Phúc Thọ (Hà Nội), những năm trước, biển quảng cáo rao bán mật gấu của các hộ nuôi gấu được trưng bày nhan nhản (xuống cả lòng đường). Thời gian gần đây, chắc để “đối phó” với cơ quan chức năng, họ bỏ nội dung “bán mật gấu” đi mà chỉ đề là “trại nuôi gấu…” hay “cơ sở nuôi gấu…”, nhưng nếu ai có nhu cầu mua mật gấu cũng ngầm hiểu là ở đây có bán mật gấu.
Với việc các cơ quan chức năng còn thiếu các biện pháp đồng bộ, tích cực trong việc bảo tồn loài gấu như hiện nay, quy định về quản lý gấu nuôi chưa phát huy hiệu quả thực tế, gần như phó mặc cho các cơ sở, cá nhân phải có trách nhiệm trông coi, thì trong thời gian không xa sự tuyệt chủng của các loài gấu ở nước ta sẽ trở thành sự thật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.