Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cứu bé sơ sinh nguy kịch vì bệnh lý hiếm gặp

Nam Phương| 14/08/2012 16:38

Vừa lọt lòng mẹ, bé Bảo Kim (Hà Nội) đã được chuyển vào phòng cấp cứu vì tím tái, suy hô hấp nặng do hít phân su từ trong bụng mẹ, một bệnh lý hiếm gặp, nguy cơ tử vong cao.


Bé là con đầu lòng của chị Hồng Lê, sinh đủ tháng, được 3,2 kg. Quá trình mang thai không có gì bất thường, ngoài trừ việc chị Lê bị viêm gan B.

Ngày 21/7 vừa rồi, trước sinh một ngày, chị thấy con có biểu hiện đạp nhiều hơn bình thường. Đến chiều thì chị thấy ra máu tươi, đau bụng liên tục nên gia đình đưa vào khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Sau đó, chị có dấu hiệu suy thai, tim thai chậm, vì thế các bác sĩ quyết định mổ lấy thai.

Tuy nhiên, khi mổ ra bác sĩ thấy rất nhiều phân su trên cơ thể bé, nước ối lẫn phân su. 20 phút sau thì trẻ bắt đầu tím tái, khóc kém. Ngay lập tức, bé được chuyển xuống khoa Nhi Cấp cứu.

Nụ cười hạnh phúc của chị Hồng Lê khi cuối cùng các bác sĩ cũng cứu được bé.
Ảnh: N.P.


Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lúc đó trẻ có biểu hiện suy hô hấp rất nặng, tim đập rất nhanh, các phản xạ sơ sinh như: co người, giãy giụa yếu... Bé được chẩn đoán bị hội chứng hít phân su trong bụng mẹ. Chụp phổi cho thấy rõ điều này, có chỗ mờ, chỗ sáng. Các bác sĩ đã tiến hành hút mũi, họng, bóp bóng sau đó cho thở máy.

"Điều đáng nói là dù đã thở máy 2 ngày nhưng tình trạng bệnh nhi vẫn rất nặng, tím tái, luôn cần nồng độ ôxy rất cao, trên 90%. Trong khi bình thường, về nguyên tắc là phải cố kéo nồng độ ôxy từ 60% trở xuống", phó giáo sư Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, đây là trường hợp rất nặng, không bình thường vì áp lực động mạch phổi rất lớn, trong khi tim thì không có vấn đề gì. Lý do là vì ôxy được đưa vào nhưng cơ thể bé không hấp thu, trao đổi do tác dụng của phân su. Vì thế, các bác sĩ quyết định bơm 2 lọ thuốc surfactant.

"Trường hợp này, chúng tôi vừa làm vừa lo vì khi bơm vào thì thuốc giúp phổi giãn, nhưng lại lo vì đây là một loại chất đạm bên ngoài đưa vào, phổi lại đang bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao. Rất may sau khi bơm 2 lọ, thì nồng độ ôxy thở vào giảm xuống 40%", phó giáo sư Dũng nói.

Sau đó, bé được cho cai máy thở và cố gắng cho ăn sữa thay vì nuôi truyền bằng đường tĩnh mạch. Hôm nay (14/8) bé được cho xuất viện, sức khỏe ổn định.

Lý giải về việc trẻ hít phải phân su, Phó giáo sư Dũng cho biết, bình thường trẻ ỉa phân su trong bụng mẹ, nhưng không hít phải vì lấy khí ôxy từ mẹ nên trẻ không cần thở. Tuy nhiên vì một lý do nào đó kích thích trẻ thở là thai nhi có thể hít phải phân su. Đó có thể là do tình trạng suy thai, mẹ thiếu ôxy, thai thiếu ôxy. Bên cạnh đó, việc dây rốn bị đè hay suy bánh rau cũng có thể gây kích thích thở. Hội chứng này thường gặp ở trẻ đủ tháng, xảy ra vào ngày cuối, trong quá trình chuyển dạ, việc chẩn đoán rất khó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cứu bé sơ sinh nguy kịch vì bệnh lý hiếm gặp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.