(HNM) - Đề nghị quý báo cho biết, đối tượng, trường hợp nào áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai? Khi nào cấp trên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của cấp dưới?
Nguyễn Thị Thực (Sóc Sơn, Hà Nội)
Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - quốc gia, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Theo Thông tư 16/2010/TT-BTNMT ngày 26-8-2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (Thông tư 16/2010/TT-BTNMT), đối tượng bị cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm: Cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cơ quan, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài; hộ gia đình; cơ sở tôn giáo bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (gọi chung là đối tượng bị xử phạt) đã quá thời hạn tự nguyện chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư 16/2010/TT-BTNMT).
Đối tượng bị xử phạt bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trong các trường hợp sau: a) Quá thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt mà đối tượng bị xử phạt không chấp hành; trường hợp người có thẩm quyền xử phạt quyết định cho phép nộp tiền phạt nhiều lần nhưng quá thời hạn nộp tiền của lần cuối cùng mà đối tượng bị xử phạt không chấp hành; b) Quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 65 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (Khoản 1 Điều 5 Thông tư 16/2010/TT-BTNMT).
Những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành đối với quyết định xử phạt của cấp dưới trong các trường hợp sau: 1) Cấp dưới không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế; 2) Cấp dưới có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và có văn bản đề nghị cấp trên ra quyết định cưỡng chế; 3) Việc thi hành quyết định xử phạt liên quan đến nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân hoặc cá nhân bị cưỡng chế là những người có chức sắc tôn giáo, có uy tín trong xã hội, cấp trên xét thấy cần thiết phải ra quyết định cưỡng chế (quy định tại Điều 5 Nghị định 37/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính). Đối với trường hợp tháo dỡ nhà ở, công trình xây dựng trái phép trên đất thì người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm, bao gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện; chủ tịch UBND cấp tỉnh (Khoản 3 Điều 4 Thông tư 16/2010/TT-BTNMT).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.