Bất động sản

Cuối năm, nhà phố khó tìm khách thuê

Bảo Hân 04/01/2025 - 06:12

Nhu cầu giảm trong khi giá cho thuê vẫn “neo” ở mức cao cùng với phương thức kinh doanh thay đổi đã khiến hàng loạt nhà mặt tiền đẹp trên những tuyến phố đắc địa của Thủ đô Hà Nội rơi vào cảnh ế ẩm. Thời điểm cuối năm, nhu cầu giao thương gia tăng cũng không giúp cho thị trường này ấm lên.

mot-can-nha-cho-thue-tai-pho-hang-bong-quan-hoan-kiem-.-anh-duong-hiep.jpg
Một căn nhà cho thuê tại phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Dương Hiệp

Kén khách vì giá cho thuê cao

Tình trạng nhà đóng cửa, treo biển sang nhượng, tìm khách là cảnh thường thấy tại những nhà phố cho thuê kinh doanh trên địa bàn Hà Nội hiện nay.

Anh Nguyễn Trọng Minh (42 tuổi, nhà phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) cho biết, ngay sau khi đơn vị ký hợp đồng thuê bán đồ gia dụng Nhật Bản kết thúc sớm hợp đồng vào giữa tháng 11-2024, anh đăng thông tin lên các trang web, hội nhóm mua bán, cho thuê bất động sản. Tuy nhiên, khác với trước đây, nếu ngay lập tức sẽ có nhiều người hẹn đến xem mặt bằng thì nay sau gần 1 tuần đăng tải, điện thoại của anh vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào của khách thuê.

“Mặt bằng căn nhà trên phố Hàng Đào, thuộc đoạn đẹp nhất ngay đầu hồ Hoàn Kiếm, vốn là khu vực đông khách du lịch qua lại. Cuối tuần, khu vực này nằm trong không gian đi bộ, rất nhộn nhịp. Vỉa hè phố rộng, cho khách để xe thoải mái. Tôi cũng cam kết thêm là chủ nhà dễ tính, sẽ hỗ trợ mọi thủ tục, tạo điều kiện hỗ trợ khách thuê cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, đúng như dự đoán, với mặt bằng giá cao như vậy, gia đình sẽ phải kiên nhẫn chờ khách”, anh Minh thông tin về ngôi nhà có diện tích 200m2, thông sàn rộng rãi mà anh muốn cho thuê cả 3 tầng của mình. Được biết, mức giá cho thuê mà anh Minh mong muốn là 185 triệu đồng/tháng, có thương lượng thêm với khách thiện chí xem nhà sớm.

Tại các tuyến phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào… (quận Hoàn Kiếm), các quỹ nhà riêng biệt, có diện tích trên 200m2 ở vị trí đắc địa, mặt tiền không dưới 10m, dễ dàng giúp khách thuê nhận diện đặc điểm thương hiệu hiện có mức giá cho thuê 230-250 triệu đồng/tháng. Những vị trí kém “vip”, có diện tích nhỏ hơn cũng đang “neo” ở mức giá thấp nhất từ 120 triệu đồng/tháng, dù khách thuê khá ít ỏi.

Sau gần 2 năm kinh doanh online, chuyên “đổ buôn” quần áo trẻ em trên Zalo, chị Trịnh Thu Huyền (34 tuổi, quận Đống Đa) muốn kiếm thêm nguồn khách hàng trực tiếp nên có ý định đi thuê mặt bằng gần nhà để mở cửa hàng. Tuy nhiên, sau khi tham khảo thông tin trên một số nhóm hội, trực tiếp đi xem một số địa chỉ, chị đã thay đổi ý định bởi mặt bằng giá nhà cho thuê tại thời điểm này, dù có nhiều lựa chọn lý tưởng nhưng ở mức cao, nằm ngoài khả năng chi trả.

“Căn nhà tôi đến xem trực tiếp trên phố Phương Mai, rộng 55m2, cao 3 tầng, mặt tiền 5m, vỉa hè rộng, vị trí đẹp, lại chính chủ, rất phù hợp với nhu cầu kinh doanh nhưng giá cho thuê được giảm tối đa từ 40 triệu xuống còn 38 triệu đồng/tháng. Đây là mức tôi không thể xuống tiền vì quá mạo hiểm, rủi ro cho việc kinh doanh vốn đã khó khăn hiện nay”, chị Huyền than phiền.

Mức giá cho thuê cao, đặc biệt là tại các quận ở trung tâm phố cổ là một trong những nguyên nhân những mặt bằng được đánh giá là “hot”, thuộc quỹ hàng hiếm trở nên kén khách. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng “cửa đóng then cài” hoặc treo biển sang nhượng, thanh lý hàng để trả lại mặt bằng xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến phố của Hà Nội, từ sau dịch Covid-19 đến nay.

Cần thay đổi để thích nghi

Theo Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực miền Nam Đinh Minh Tuấn, có 3 lý do chính dẫn tới tình trạng này. Đầu tiên phải kể đến là sự thay đổi mô hình kinh doanh của những đơn vị đi thuê. Giai đoạn sau đại dịch Covid-19, thị trường rơi vào khó khăn hơn, lại ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử, các đơn vị đi thuê chuyển từ việc thuê mặt bằng tại các tuyến phố chính để vừa làm thương hiệu, vừa bán hàng đã bắt buộc thay đổi mô hình. Họ tìm đến các nền tảng điện tử như Lazada, Shopee, TikTok hay mạng xã hội Facebook. Tiếp đó, lượng khách đến thị trường các khu vực trung tâm cũng đã có sự sụt giảm. Cuối cùng, xu hướng mở rộng ở các thị trường tỉnh, thành phố của các nhãn hàng và các chuỗi sẽ khiến các đơn vị kinh doanh thu hẹp ở các thị trường chính và chuyển đổi mô hình sang thương mại điện tử cùng việc mở rộng ở các khu vực lân cận.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, cùng với đó là thói quen tiêu dùng, đặc biệt ở người trẻ, cũng đã hoàn toàn chuyển sang hình thức online, đặc biệt trên sàn thương mại điện tử nên việc ế ẩm tại các nhà mặt phố cũng là lẽ đương nhiên.

Theo nhận định của một số chuyên gia, tình trạng cho thuê mặt bằng nhà phố tại một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm do chủ cho thuê cố giữ mức giá cao, không chấp nhận thương lượng giảm giá dù có thể bỏ trống mặt bằng.

Báo cáo thị trường của CBRE Việt Nam cho thấy, giá thuê mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm Hà Nội tại quý III-2024 đạt 172,7 USD/m2/ tháng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,2% so với quý trước. Giá thuê tiếp tục xu hướng tăng khi tỷ lệ trống tại khu vực này duy trì ở mức 1,7%. Trong khi đó, tại các khu vực ngoài trung tâm, tỷ lệ trống tăng 2,1%, lên mức 12,1% so với quý trước do có nguồn cung mới và một số khách thuê trả mặt bằng.

Từ tình hình thị trường hiện nay, các chuyên gia của Savills Hà Nội cho rằng, các chủ sở hữu nhà phố cho thuê cần thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới, đưa giá thuê nhà mặt phố tại Hà Nội về đúng giá trị thực thay vì đua nhau tăng giá hoặc cố níu ở mức giá cao, ít sức hấp dẫn với các doanh nghiệp, hộ dân có nhu cầu thuê để kinh doanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuối năm, nhà phố khó tìm khách thuê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.