Gần Tết, kẹo cân Trung Quốc luôn áp đảo thị trường bánh kẹo nội vì ưu điểm rẻ, mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, NTD dễ bị lừa vì mua phải kẹo tồn từ năm ngoái.
Kẹo cân, mua một lần nhớ suốt đời
Nhớ lại Tết năm ngoái, chị Nguyễn Thị Mai (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) vẫn chưa hết sợ kẹo cân. Chị Mai cho biết, khi đó chị mua 2kg kẹo mềm của Trung Quốc có màu hồng đẹp, nhìn thoáng qua như kẹo của Hàn Quốc tại chợ thị trấn Trâu Quỳ. Đến ngày mùng 1 Tết, khi mang kẹo ra đãi khách, chị tá hỏa phát hiện có tới 1/3 số kẹo đã bị mốc.
"Lúc đầu, nhìn kẹo ngon nên mọi người cứ thế bóc ra ăn. Đến khi nhận thấy kẹo bị đắng, nhìn kỹ lại mới biết có nhiều chiếc bị mốc. May là người lớn phát hiện ra chứ nếu để trẻ con ăn thì không biết hậu quả thế nào?"- chị Mai kể. Đem chuyện phản ánh với chủ quầy hàng tại chợ Trâu Quỳ, chị Mai chỉ nhận được một cái cười xòa xin lỗi: "mong bác cảm thông vì có thể do kẹo bị mốc khi vận chuyển".
Sau lần đó, chị Mai "cạch" không bao giờ dám dùng kẹo cân nữa: "Rẻ thì rẻ thật, màu sắc đẹp mắt, rất hấp dẫn nhưng lại hại sức khỏe thì cho không, tôi cũng chẳng dám ăn".
Kẹo cân bày bán trong chợ Đồng Xuân đang được chủ hàng giới thiệu cho khách.
Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, kẹo cân Trung Quốc thời gian qua được người tiêu dùng nông thôn đặc biệt ưa chuộng vì giá rẻ, chủng loại phong phú, mẫu mã đẹp.
Chị Nguyễn Thị Hương (tiếp thị của hãng bánh kẹo Bibica) thừa nhận: Nhu cầu sử dụng kẹo bánh ngày Tết tăng rất cao tuy nhiên nhiều hãng kẹo của Việt Nam vẫn bị thất thế với kẹo Trung Quốc.
"Mặc dù đã cố gắng tiếp thị nhưng nhiều đại lý bán hàng vẫn muốn lấy kẹo của Trung Quốc hơn kẹo sản xuất trong nước vì dễ bán và hạn dùng không phải lo" - chị Hương giải thích.
"Năm nay bán không hết để sang năm"
Những ngày cận Tết, không khí tại các quầy bánh kẹo trên phố Hàng Buồm, Hàng Giầy, chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại sôi động. Đây cũng là thời điểm các loại bánh kẹo nhập từ Trung Quốc được mang ra bày bán nhiều nhất.
Tại quầy bánh kẹo trong chợ Đồng Xuân, các loại kẹo bánh của Trung Quốc có giá từ 40 đến 80 nghìn đồng/kg bày la liệt trên các kệ hàng, chắn lối qua lại của người dân. Hầu hết các loại kẹo này bán với giá rất rẻ nên lôi kéo được nhiều khách hàng mua. Hơn nữa, kẹo cân Trung Quốc còn hút khách bởi hình thức bắt mắt, màu sắc cũng như bao bì sang trọng.
Trong vai một người đi mua kẹo buôn về bán lẻ vùng nông thôn, phóng viên được chị T. (chủ quầy hàng kẹo bánh ngay đầu chợ Đồng Xuân) đon đả giới thiệu các loại kẹo vừa mới nhập về. Chị không quên quảng cáo là hàng ngon, dẻo, mềm và kẹo nhập ngoại.
Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi: "Hàng nhập ở đâu?", chị T vòng vo "đánh trống lảng": "Nhập ở đâu quan trọng gì... Kẹo này khỏi phải chê, vừa ngon lại không sợ lỗi mẫu mã. Mỗi ngày chị bán hàng vài tạ, em cứ lấy thử vài yến về bán đảm bảo đắt như tôm tươi. Em cứ mua về bán đi, năm nay không bán hết để sang năm bán vẫn vô tư".
Theo ghi nhận của phóng viên, đa số các loại kẹo cân của Trung Quốc đều không ghi rõ ràng hạn sử dụng. Chị Vân (một người bán thuê kẹo trên phố Hàng Giầy, Hà Nội) tiết lộ: Một số loại kẹo cân của Trung Quốc được nhập khẩu từ đầu năm có thể để bán ròng đến cuối năm mới hết.
"Sức tiêu thụ kẹo cân chỉ nhiều vào dịp Tết nên khách mua phải kẹo từ năm ngoái là chuyện bình thường" - chị Vân xua tay. Các chủ buôn thường trộn lẫn kẹo mới với kẹo cũ để bán cho khách nên khách mua "cùng lắm chỉ "dính" vài cái kẹo bị mốc, bị chảy nước", chị Vân nói.
Trong khi, các loại bánh kẹo Trung Quốc được bày bán rộng rãi thì những loại kẹo "made in Việt Nam" chỉ được đặt ở một góc khuất, khi có khách hỏi, chủ hàng mới mang ra. Theo phản ánh của người bán hàng, kẹo nội có nhược điểm là mẫu mã không đẹp, rắn và lại nặng cân nên không thu hút khách.
Các chủ hàng trong chợ Đồng Xuân, mỗi ngày cung cấp ra thị trường hàng tấn kẹo cân. Số kẹo này chủ yếu chuyển về các tỉnh lân cận Hà Nội và một số vùng ngoại thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.