(HNM) - Tính từ tháng 7 tới nay, giá xăng dầu giảm khoảng 30% so với mức trước đó nhưng đến nay các doanh nghiệp vận tải (DNVT) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn chỉ giảm cước một cách nhỏ giọt khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất đứng ngồi không yên. Tại các bến xe lớn trên địa bàn
Các đơn vị vận tải hàng hóa lẫn hành khách tại TP Hồ Chí Minh chưa sẵn sàng cho việc giảm giá cước. |
Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, đến nay mới chỉ có hơn 90 trong tổng số 220 DNVT hành khách giảm khoảng 5-10% giá vé/lượt so với trước. Riêng đợt giảm giá xăng ngày 22-12 đến nay vẫn chưa có đơn vị nào kê khai giá cước mới. Theo ông Thượng Thanh Hải, lý do là quy trình để tính toán, xây dựng và kê khai bảng giá cước mới mất khoảng 10 ngày nên chưa đưa ra giá cước mới kịp thời. Bên cạnh đó, có nhiều DNVT từ trước đến nay vẫn không tăng không giảm giá cước dù cho thị trường xăng dầu biến động. Còn theo ông Trần Văn Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây, tại đơn vị này cũng chỉ có 60 trong tổng số 130 DNVT kê khai giá cước mới với mức giảm 5.000 - 15.000 đồng/lượt (khoảng 5-9%). Các trường hợp này chưa giảm mạnh vì đang nghe ngóng tình hình của đối thủ cạnh tranh để đưa ra mức giá phù hợp.
Đối với DNVT xe container, việc giảm cước cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Giao nhận vận tải Tú Hương (quận Bình Thạnh) thông tin, với 16 đầu xe container chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Bình Dương (70km), trước đây giá cước phí là 2,8 triệu đồng/container/chặng thì hiện nay giảm 150 nghìn đồng/container/chặng so với giá cũ (tức chưa tới 5% so với giá cước cũ). Còn về hoạt động xe taxi, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh cho biết, trong các đợt giảm giá xăng dầu trước, một số đơn vị DNVT đã giảm giá cước 500 đồng/km, còn đối với đợt giảm mới nhất thì sẽ tính toán để đưa ra mức phù hợp nhất. Như vậy, nếu chiếu theo mức giảm khoảng 30% tiền xăng dầu, rõ ràng cả DNVT hàng hóa lẫn hành khách mức giảm chẳng thấm tháp vào đâu.
Theo ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), dù qua nhiều lần giảm giá xăng dầu nhưng hiện chưa có DN nào thuộc HAWA được DNVT giảm giá cước. Cụ thể là giá cước vận chuyển sợi dừa từ Bến Tre về TP Hồ Chí Minh từ trước đến nay giá vẫn là 230.000 đồng/tấn. "Nếu xăng dầu giảm mạnh như vậy thì các DNVT cần phải giảm cước phí vận chuyển nếu không DN sản xuất hàng hóa sẽ bị tác động nhiều, nhất là sức cạnh tranh trên thị trường lẫn uy tín đối với khách hàng", ông Đặng Quốc Hùng chia sẻ. Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 thông tin, sau đợt giảm giá ngày 22-12, đến nay công ty chưa nhận được thông báo giảm giá của các DNVT. Vì thế, công ty sẽ đề nghị các đơn vị này nhanh chóng giảm giá cước nhằm bảo đảm quyền lợi chung.
Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện mới chỉ có một vài DNVT trong Hiệp hội giảm giá cước từ 5% đến 10% so với trước. Riêng về đợt giảm giá xăng dầu gần đây vẫn chưa nhận được thông tin mới. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ có thông báo đến các thành viên vận tải hàng hóa, trong đó sẽ khuyến cáo các đơn vị cần chủ động tính toán lại để có mức giảm phù hợp trong bối cảnh giá xăng dầu giảm liên tục. Thực tế, dù các DNVT giảm nhưng đang còn chiếm tỷ lệ nhỏ và mức giảm chưa tương ứng. "Đây là thời điểm sắp chuyển giao sang năm 2015, do đó các DNVT này sẽ phải kê khai lại mức giá mới theo hợp đồng đơn hàng mới để sát với thực tế, nếu không sẽ tự loại khỏi cuộc chơi", ông Thái Văn Chung nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.