(HNMCT) - Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Cuộc thi Âm nhạc quốc tế cho violin và Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 nhưng đã thu hút lượng thí sinh đông hơn dự kiến. Cuộc thi tạo thêm động lực to lớn cho các nghệ sĩ violin trẻ Việt Nam, khẳng định sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam với các nghệ sĩ violin thế giới. Nhân dịp này, Hànộimới Cuối tuần có cuộc trò chuyện với NSƯT Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Phó Trưởng ban tổ chức, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi quanh sự kiện này.
- Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từng 4 lần tổ chức cuộc thi piano quốc tế, anh có thể cho biết tại sao bây giờ chúng ta mới thực hiện một cuộc thi dành cho violin và hòa tấu thính phòng?
- Việt Nam từng tổ chức thành công 4 cuộc thi piano quốc tế. Đó là nỗ lực rất lớn, bước đầu ghi dấu ấn với bạn bè các nước về một nền đào tạo âm nhạc thính phòng của Việt Nam tuy còn non trẻ so với thế giới nhưng cũng có những thành tích nhất định. Sau thành công ấy, chúng tôi mạnh dạn tổ chức cuộc thi dành cho violin với hy vọng đây sẽ là sân chơi mới cho các nghệ sĩ violin, đồng thời cũng để thử thêm khả năng tổ chức các cuộc thi âm nhạc quốc tế.
- Thời điểm này, điều mà Ban tổ chức lo lắng nhất là gì?
- Có rất nhiều điều để lo lắng nhưng chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Chúng tôi cũng sắp xếp kế hoạch giảng dạy để các cán bộ của Học viện có thời gian chuẩn bị tốt nhất, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ tham gia tổ chức, từ tác phong ứng xử đến trang phục ra sao để thể hiện được nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, tạo ấn tượng với bạn bè quốc tế.
- Nhiều người bất ngờ khi thấy danh sách giám khảo được giới thiệu với nhiều tên tuổi lừng lẫy, trong đó có huyền thoại violin người Nga, NSND Viktor Tretyakov. Hẳn anh phải mất nhiều công sức để thuyết phục, mời gọi các nghệ sĩ này?
- Phải thú thực là từ khi lên ý tưởng cho cuộc thi và đặt vấn đề mời giám khảo, chúng tôi rất lo lắng, bởi so với các cuộc thi khác, chi phí cho cuộc thi tại Việt Nam không cao. Chúng ta không có đủ kinh phí để có thể trả thù lao bằng mức mà các giám khảo vẫn nhận ở các cuộc thi khác. Tuy nhiên, chúng ta lại có một bề dày lịch sử, nền văn hóa hấp dẫn khiến các giám khảo yêu mến mà nhận lời.
NSND Viktor Tretyakov là một “tượng đài” lớn của làng violin thế giới. Ông từng làm trưởng ban giám khảo nhiều cuộc thi quốc tế lớn như cuộc thi Tchaikovsky mà tôi từng là thí sinh. Cách đây hơn một năm khi ông làm giám khảo một cuộc thi quốc tế dành cho nghệ sĩ trẻ, tôi có đưa thí sinh tham dự cuộc thi. Tiết mục của Việt Nam - Bài ca chim ưng đã gây ấn tượng với ban giám khảo. Nhân điều đó, tôi đánh liều đặt vấn đề mời ông sang Việt Nam làm giám khảo dù khi ấy công tác tổ chức cho cuộc thi còn chưa hoàn tất. Ông nói rằng đã biết đến Việt Nam nhưng chưa từng đến, vì thế ông nhận lời vì những tình cảm đặc biệt mà mình dành cho Việt Nam.
- Có phải vì nhiều giám khảo tên tuổi nhận lời đến Việt Nam nên số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều hơn so với dự kiến của Ban tổ chức?
- Chỉ cần được đứng trên sân khấu biểu diễn trước những nghệ sĩ tên tuổi đã là cơ hội mà không phải thí sinh nào cũng được tiếp cận. Hơn nữa, như tôi đã nói, Việt Nam có sức hấp dẫn với thí sinh quốc tế bởi truyền thống văn hóa và bề dày lịch sử. Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ, điểm đến an toàn, thân thiện rất được lòng bạn bè quốc tế. Một trong những lý do khác khiến Việt Nam hấp dẫn các thí sinh quốc tế, đó là chúng ta đang có một nền đào tạo âm nhạc thính phòng khá bài bản, nhiều nghệ sĩ Việt Nam chủ yếu học trong nước nhưng có thể đạt được thành tích cao ở không ít cuộc thi quốc tế.
- Theo anh, sự khác biệt của cuộc thi này so với cuộc thi violin quốc tế khác là gì?
Cuộc thi Âm nhạc quốc tế cho violin và Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 diễn ra từ ngày 3 đến 11-8 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ban giám khảo gồm 16 người, là những nghệ sĩ tên tuổi và uy tín như: NSND Viktor Tretyakov, Stephanie Chase, Vilmos Szabadi, Xi Chen, Max Levinson, Kyung Sun Lee, Honna Tetsuji...
- Sự khác biệt là các thành viên ban giám khảo tham gia chấm tại Việt Nam không chỉ là những tên tuổi lớn mà số lượng thành viên ban giám khảo cũng nhiều hơn, lên tới 16 người trong khi một số cuộc thi khác chỉ có 7-9 người. Điều này cho thấy cuộc thi violin quốc tế tại Việt Nam khá chặt chẽ trong việc thẩm định, chấm thi. Một điều thú vị khác chưa từng diễn ra ở các cuộc thi quốc tế khác, đó là các giám khảo sẽ có một đêm biểu diễn những tác phẩm từng làm nên tên tuổi mình.
- Là người theo đuổi nhạc cổ điển từ nhỏ, nay lại làm công tác quản lý, anh đánh giá thế nào về sự phát triển của âm nhạc thính phòng cũng như đời sống của các nghệ sĩ violin hiện nay?
- Hiện nay, việc đào tạo các nghệ sĩ violin vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu biểu diễn. Nhiều dàn nhạc thiếu nghệ sĩ, vì vậy các nghệ sĩ violin khi được đào tạo xong thường được mời làm việc ngay. Đó là tín hiệu vui và cũng là động lực để những nghệ sĩ violin vững bước theo đuổi đam mê.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.