Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc lui binh trong dang dở

Trung Hiếu| 24/06/2011 06:31

(HNM) - Trong bài phát biểu được trông đợi (22-6), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức loan báo Washington sẽ rút 33.000 binh sĩ khỏi chiến trường Afghanistan trước tháng 9-2012. Trước tiên, 10.000 binh sĩ sẽ rời Afghanistan vào cuối năm nay. Sau đó, binh sĩ Mỹ sẽ tiếp tục được triệt thoái và trao quyền kiểm soát an ninh cho chính quyền Kabul vào năm 2014.

Thương vong của binh sĩ Mỹ tại chiến trường Afghanistan là một áp lực lớn khiến Tổng thống B.Obama đưa ra kế hoạch rút quân.

Lý giải về kế hoạch lui quân, ông chủ Nhà Trắng cho biết, cuộc triệt thoái binh sĩ do Mỹ "đã đạt được các mục tiêu" gồm: phá hủy phần lớn sức mạnh của Al-Qaeda; phá vỡ động lực của Taliban và đào tạo lực lượng an ninh của Afghanistan để họ có thể tự bảo vệ đất nước. Tổng thống B.Obama cũng khẳng định sẽ tham gia các sáng kiến nhằm hòa giải người dân Afghanistan, trong đó có Taliban, vì Chính phủ và các lực lượng an ninh Afghanistan đã được củng cố...

Quyết định rút quân của Tổng thống B.Obama là bước đi được cho là táo bạo. Bởi công bố thời điểm rút quân sớm, ồ ạt, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã chọn cho mình cuộc đối đầu với không ít tướng lĩnh Mỹ, trong đó có chỉ huy lực lượng NATO ở Afghanistan - tướng David Petraeus. Các tướng lĩnh quân đội Mỹ đều hy vọng, Nhà Trắng sẽ duy trì một bộ phận binh sĩ ở Afghanistan trong thời gian càng lâu càng tốt, với lập luận rằng rút quân quá nhanh, quá nhiều sẽ làm phương hại đến những tiến bộ về an ninh vẫn đang mỏng manh ở chiến trường này…

Tuy nhiên, Tổng thống B.Obama đã chọn phương án được các cố vấn ủng hộ. Theo đó, những tiến bộ an ninh chậm nhưng chắc ở Afghanistan cùng sự kiện trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt cũng như phá hủy phần lớn mạng lưới Al-Qaeda đã tạo cơ hội có một không hai để ông B.Obama thực hiện kế hoạch rút chân khỏi vũng lầy Nam Á. Thêm vào đó, sức ép rút quân đã ngày càng tăng trong Quốc hội; sự ủng hộ kế hoạch rút quân của người dân Mỹ; gánh nặng về kinh tế ngày một lớn… đã khiến người đứng đầu nước Mỹ phải đưa ra quyết định. Trên một bình diện khác, trong bối cảnh nợ nần chồng chất như hiện nay, những chi tiêu khổng lồ của nước Mỹ vào cỗ máy chiến tranh ở Afghanistan đã khiến Tổng thống B.Obama phải lựa chọn. Rút quân không chỉ đồng nghĩa với việc giảm chi phí mà vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ còn có cơ hội thực hiện lời hứa với nhân dân Mỹ: sẽ rút quân vào tháng 7-2011, khi ra lệnh triển khai thêm 33.000 binh sĩ đến Afghanistan, nâng tổng số quân Mỹ tại chiến trường này lên đến 100.000 người (tháng 9-2009).

Thực tế, quyết định rút quân của Mỹ đã được dự báo khi gần một tuần trước đó, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai xác nhận sự can dự của Mỹ trong tiến trình hòa đàm với Taliban tại quốc gia Nam Á này. Để thực hiện được tiến trình rút quân, Tổng thống B.Obama cũng đã thông báo Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với đồng minh NATO và đối tác vào tháng 5-2012 tại Chicago để "định hình giai đoạn chuyển tiếp mới" ở Afghanistan.

Sau ngót một thập kỷ (kể từ vụ khủng bố 11-9 - lý do để Mỹ thực hiện cuộc viễn chinh lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan) những gì đang diễn ra tại Afghanistan vẫn còn rất ngổn ngang. Hơn 40 nước trên thế giới đã bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố do chính quyền George.W.Bush phát động (ngày 7-10-2001) sau khi chính quyền Taliban ở Afghanistan từ chối giao nộp trùm khủng bố Osama bin Laden. Rất chóng vánh, cuối năm 2001, chế độ Taliban đã bị lật đổ. Nhưng chỉ hai năm sau, từ năm 2003, tàn quân Taliban đã trở lại, gây khó khăn về an ninh cho Mỹ, liên quân và chính quyền mới ở Afghanistan. Ngót 10 năm qua, bạo lực không ngừng leo thang tại chiến trường sỏi đá này trong khi Mỹ và đồng minh đổ vào đây rất nhiều nguồn lực.

Có thể nói, cuộc lui binh trong dang dở khỏi Afghanistan của Washington là cuộc cứu vãn nước Mỹ thoát một cuộc chiến đã cướp đi đà tăng trưởng đáng kể của xứ Cờ hoa; đồng thời buộc nước Mỹ phải nhìn lại hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố từng phát động. Trong khi đó, Afghanistan hôm nay vẫn chưa thể đứng vững trên đôi chân của chính mình với nền an ninh bất ổn và cuộc sống của người dân vẫn chưa thoát khỏi thế bấp bênh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc lui binh trong dang dở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.