Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc khẩu chiến chưa có hồi kết

Đình Hiệp| 18/05/2011 06:10

(HNM) - Những tranh cãi nảy lửa bấy lâu liên quan đến chủ quyền quần đảo mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Nga gọi là quần đảo Nam Kuril lại bùng phát những ngày qua, một lần nữa đẩy quan hệ giữa hai cường quốc ở khu vực Á - Âu này đứng trước thử thách mới.

Kunashiri, một trong bốn hòn đảo thuộc quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Ảnh: Reuters


Không phải lần đầu tiên những tranh cãi liên quan đến chủ quyền quần đảo tranh chấp này trở thành rào cản trong quan hệ Nga - Nhật. Đỉnh điểm của cuộc khẩu chiến ngoại giao đã nổ ra vào tháng 11 năm ngoái khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới thăm đảo Kunashiri - một trong bốn hòn đảo của quần đảo này với khẳng định "đây là một phần lãnh thổ quan trọng của Nga". Không thể chấp nhận được hành động chưa từng có tiền lệ này, Nhật Bản đã lên tiếng kịch liệt phản đối. Căng thẳng trong quan hệ Nga - Nhật khi đó không dừng lại ở cuộc khẩu chiến ngoại giao, mà cả hai viện của Nhật Bản còn thông qua dự luật tái khẳng định chủ quyền đối với bốn hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp này gồm Iturup, Shikotan, Kunashiri và Habomai; đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực cao nhất để sớm lấy lại các hòn đảo trên.

Không khác mấy so với kịch bản của cuộc khẩu chiến xảy ra lần gần đây nhất vào tháng 2 vừa qua, căng thẳng trong quan hệ Nga - Nhật đã trở nên phức tạp hơn sau chuyến thăm 2 trong số 4 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp này ngày 15-5 vừa qua của một đoàn quan chức Chính phủ Nga do Phó Thủ tướng Sergey Ivanov dẫn đầu. Chuyến thị sát đầu tiên của một quan chức cấp cao Nga tới vùng lãnh thổ tranh chấp này, kể từ sau thảm họa kép động đất, sóng thần tại Nhật Bản ngày 11-3, ngay lập tức đã châm ngòi cho những tranh cãi ngoại giao mới giữa hai nước.

Với Mátxcơva, chuyến thăm Nam Kuril lần này của Phó Thủ tướng S.Ivanov - một trong những nhà hoạch định kế hoạch phát triển cho quần đảo này không nằm ngoài mục đích kiểm tra tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khi Nga bỏ ra gần 530 triệu USD để đầu tư phát triển quần đảo này từ nay đến năm 2015. Một trong những hoạt động quan trọng nhất của Phó Thủ tướng S.Ivanov tại đây là chủ trì hội nghị về phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng của quần đảo giai đoạn 2007-2015. Trong đó, làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân, nâng cấp sân bay "Burevestnik" cũng như các trục đường bộ - đường thủy và xây dựng một sân bay mới trên đảo Iturup - một trong bốn hòn đảo của quần đảo Nam Kuril.

Song với Nhật Bản, sự trở lại Vùng lãnh thổ phương Bắc của một đoàn quan chức cấp cao Nga được xem là hành động "trái ngược với quan điểm cơ bản của Tokyo và làm tổn thương tình cảm của người dân Nhật Bản". Cùng với tuyên bố kịch liệt phản đối chuyến thăm trên, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto lần thứ hai liên tiếp từ đầu năm đến nay đã triệu Đại sứ Nga tại Nhật Bản Mikhail Beli đến để yêu cầu Mátxcơva không được lặp lại các chuyến thăm tương tự trên trong thời gian tới.

Bất đồng sâu sắc về chủ quyền quần đảo tranh chấp này là trở ngại lớn nhất trong quan hệ giữa Liên Xô trước kia và Nga ngày nay với Nhật Bản khiến hai bên chưa thể ký một hiệp ước hòa bình chính thức sau Thế chiến II. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, các chuyến thăm gần đây của quan chức Nga tới vùng lãnh thổ tranh chấp này dường như có mối liên hệ với các yếu tố nội bộ trong nước khi cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2012 đang đến gần. Tuy nhiên với Nhật Bản, bất cứ chuyến thăm nào của quan chức Nga tới khu vực tranh chấp này đều là "hành động xúc phạm không thể tha thứ" vì nó cản trở tiến trình đối thoại về vấn đề lãnh thổ giữa Mátxcơva và Tokyo.

Được biết đến là khu vực giàu tài nguyên, nằm giữa vùng biển trù phú, quần đảo tranh chấp Nam Kuril hiện có khoảng 19.000 người sinh sống. Mặc dù điều kiện hạ tầng còn kém, nhưng quần đảo này lại có ý nghĩa chiến lược với cả Nga và Nhật Bản. Căng thẳng trong quan hệ Nga - Nhật một lần nữa cho thấy, tranh cãi về chủ quyền biển đảo vẫn luôn là câu chuyện thời sự nóng hổi với hầu hết các quốc gia có chung lợi ích biển đảo mà chưa được phân định ranh giới rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc khẩu chiến chưa có hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.